Việt Nam tham dự hai sự kiện quan trọng về môi trường tổ chức tại Thái Lan

Hội thảo khu vực về “Xác định giải pháp cải thiện chất lượng không khí và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng không khí thích nghi tốt với những thay đổi trong tương lai ở châu Á” và Cuộc họp thảo luận về “Xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 của Mạng lưới giám sát lắng đọng axit vùng đông Á (EANET)” đã được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 5 năm 2024. Đoàn công tác của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tham dự hội thảo có TS. Lê Ngọc Cầu, Phó Viện trưởng.

Hội thảo khu vực về “Xác định giải pháp cải thiện chất lượng không khí và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng không khí thích nghi tốt với những thay đổi trong tương lai ở châu Á” được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), EANET và Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) đồng tổ chức với năm mục đích chính như sau:

  1. Hỗ trợ việc thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) về thúc đẩy hợp tác khu vực trong kiểm soát ô nhiễm không khí nhằm cải thiện chất lượng không khí cho khu vực châu Á và toàn cầu.
  2. Hỗ trợ các cuộc thảo luận để “xác định giải pháp cải thiện chất lượng không khí” và “xây dựng hệ thống quản lý chất lượng không khí thích nghi tốt với những thay đổi trong tương lai”.
  3. Thảo luận về những thách thức chính và các vấn đề mới nổi trong quản lý chất lượng không khí.
  4. Cung cấp thông tin cho xây dựng Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026-2030 của EANET.
  5. Thảo luận về nền tảng hợp tác và điều phối của Kế hoạch hành động cấp khu vực về quản lý chất lượng không khí (RAPAP).

Các thành viên tham dự hội thảo

Trong hai ngày đầu tiên hội thảo, các đại biểu đã nghe các bài thuyết trình và tham gia thảo luận về chiến lược dài hạn trong cải thiện chất lượng không khí; tác động của thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu (BĐKH) đến chất lượng không khí; sử dụng công nghệ kỹ thuật số để quản lý chất lượng không khí; khói mù xuyên biên giới; xác định giải pháp để huy động nguồn lực tài chính thực hiện các chương trình quản lý  chất lượng không khí ở các thành phố; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong quản lý chất lượng không khí; những thách thức và giải pháp trong tương lai về quản lý chất lượng không khí; chương trình hành động của RAPAP.

TS. Lê Ngọc Cầu phát biểu khai mạc hội thảo

Tại ngày thứ ba của hội thảo, các đại biểu đại diện các nước thành viên của EANET đã tham dự cuộc họp khởi động về việc chuẩn bị Dự thảo Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026-2030 của EANET.

Trong cuộc họp về Kế hoạch trung hạn, các nước thành viên đã trình bày về hiện trạng công tác giám sát lắng đọng axit trong khuôn khổ EANET, thảo luận về kế hoạch 5 năm tới và các thách thức trong phát triển và mở rộng phạm vi hoạt động sang quan trắc chất gây ô nhiễm không khí khác.

Các thành viên tham dự cuộc họp về việc xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 của EANET

Thành viên đoàn công tác của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Viện KTTVBĐKH) đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến trong cả hai ngày hội thảo. Đặc biệt, ngoài việc tham gia đóng góp ý kiến, ông Lê Ngọc Cầu là diễn giả phát biểu khai mạc trong ngày đầu tiên của hội thảo và đã chủ trì cuộc họp chuẩn bị về Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026-2030 của EANET.

Lê Ngọc Cầu chủ trì cuộc họp

Ô nhiễm không khí là một trong những cuộc khủng hoảng sức khỏe môi trường cấp bách nhất trên toàn cầu. Ngoài các mối nguy hiểm về sức khỏe, ô nhiễm không khí còn đe dọa nền kinh tế, an ninh lương thực, nước và hệ thống khí hậu của khu vực. Điều này cản trở những nỗ lực của khu vực nhằm phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo. Nhiều nỗ lực và sáng kiến ​​đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ qua để giải quyết ô nhiễm không khí nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề. Do đó việc tăng cường nỗ lực hợp tác ở cấp độ khu vực về ô nhiễm không khí nhằm cải thiện chất lượng không khí trên toàn cầu là vô cùng cần thiết. Là một quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao, đặc biệt là ở các đô thị lớn, Việt Nam cần tích cực tham gia các hoạt động hợp tác, nghiên cứu, trao đổi thông tin và kinh nghiệm về ô nhiễm không khí.