Dịch vụ thông tin khí hậu nông nghiệp: Nhu cầu và cơ hội

Nhằm thúc đẩy hoạt động dịch vụ khí hậu nông nghiệp ở Việt Nam, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cùng CARE tổ chức Hội thảo kỹ thuật “Dịch vụ thông tin khí hậu nông nghiệp: Nhu cầu và cơ hội” (Agro-Climate Services: Needs and opportunities) vào ngày 25/1/2021.

PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTVBĐKH chủ trì Hội thảo

Tới dự Hội thảo, có các đại diện đến từ Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-ĐHQG Hà Nội, Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, CARE, CIAT, ICRAF, …

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTVBĐKH.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỉ niệm

Theo WMO (2011) dịch vụ khí hậu là dịch vụ cung cấp các thông tin khí hậu, hỗ trợ việc ra quyết định của các tổ chức và cá nhận. Dịch vụ khí hậu cần có sự tham gia của các bên liên quan kèm theo cơ chế truy cập hiệu quả và phải đáp ứng kịp thời nhu cầu của người sử dụng.

 

TS. Nguyễn Đăng Mậu (áo xanh) giới thiệu nội dung Hội thảo

Hiểu theo một cách đơn giản thì dịch vụ khí hậu là hoạt động chuyển đổi các số liệu nghiên cứu khí tượng, khí hậu thành những thông tin dự báo, xu thế thời tiết, đưa ra đánh giá, tư vấn thiết thực… giúp người sử dụng đưa ra các lựa chọn cây trồng, vật nuôi hợp lý. Các loại dịch vụ khí hậu gồm: (1) Dịch vụ cung cấp số liệu; (2) Dịch vụ cung cấp nghiên cứu; (3) Dịch vụ cung cấp bản tin dự báo; (4) Dịch vụ cung cấp kịch bản BĐKH.

Trong bối cảnh hiện nay khi biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền nông nghiệp thì dịch vụ thông tin khí hậu càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đưa ra các thông tin dự báo thời tiết giúp giảm nhẹ thiệt hại và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Ví dụ như khi chúng ta có thông tin dự báo trước về xu thế thời tiết tại địa phương trong vòng 3 tháng tới là hạn hán kéo dài thì người dân thay vì chọn trồng ngô, khoai (cần có nước hơn) thì có thể chuyển sang trồng lạc, vừng, đậu đỗ là những cây có khả năng chịu hạn tốt hơn.

 

Các đại biểu lắng nghe báo cáo viên trình bày

Vì đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành nông nghiệp trong khi thực tế hiện nay các thông tin khí hậu chưa được truyền tải phù hợp đến đối tượng sử dụng nên Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích: Kết nối các nhà nghiên cứu, dự báo viên, người sử dụng thông tin khí hậu, NGO,… Từ góc nhìn của nhiều đối tượng khác nhau để chia sẻ kinh nghiệm thực tế, kiến thức và hợp tác trong nghiên cứu dịch vụ khí hậu nông nghiệp; Xác định được nhu cầu sử dụng thông tin khí hậu của ngành nông nghiệp và khả năng đáp ứng thông tin của ngành KTTV. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp pháp triển dịch vụ khí hậu nông nghiệp ở Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Đại diện tổ chức CARE phát biểu

Trong khuôn khổ Hội thảo, các báo cáo viên đã trình bày các kết quả nghiên cứu được tổng hợp từ hiện trạng thông tin hiện nay ở Việt Nam. Với chủ đề “Hiện trạng về năng lực cung cấp thông tin khí hậu phục vụ ngành nông nghiệp ở Việt Nam”, các báo cáo viên đã trình bày 7 báo cáo gồm các nội dung: Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu (GFCS) và một số mô hình dịch vụ khí hậu nông nghiệp trên thế giới; Một số mô hình dịch vụ khí hậu nông nghiệp; Đánh giá năng lực cung cấp dịch vụ khí hậu của Tổng cục Khí tượng Thủy văn phục vụ nông nghiệp; Hiện trạng năng lực cung cấp dịch vụ khí hậu và khí hậu nông nghiệp của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; Ứng dụng mạng thần kinh nhân tạo trong hiệu chỉnh sai số hệ thống lượng mưa mô hình WRF dự báo cho khu vực nam bộ; Chuỗi giá trị dịch vụ khí hậu hướng tới người dùng cuối; Cơ hội và thách thức phát triển thông tin khí hậu phục vụ ngành nông nghiệp ở Việt Nam.

 

Các báo cáo viên trình bày trong Hội thảo

Tại phiên thứ hai với chủ đề “Nhu cầu sử dụng thông tin khí hậu của ngành nông nghiệp ở Việt Nam”, các báo cáo viên đã trình bày những nội dung như: Cơ sở sinh khí hậu đối với với một số cây trồng chính ở Việt Nam và khai thác thông tin khí hậu nông nghiệp; Nhu cầu sử dụng thông tin khí hậu của ngành Nông nghiệp ở Việt Nam, cơ hôi, thách thức và minh họa một số mô hình khai thác thông tin khí hậu phục vụ nông nghiệp hiện nay; Nhu cầu của người dùng cuối, ví dụ: Nông dân nghèo dân tộc thiểu số (EM) và các nhóm đối tượng khác.

 

Các chuyên gia cho ý kiến thảo luận tại Hội thảo

Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi của toàn thể đại biểu tham dự về nhu cầu, cơ hộ, thách thức và khả năng đáp ứng thông tin khí hậu phục vụ ngành nông nghiệp. Đặc biệt, Hội thảo đã trao đổi và hướng đến đề xuất “Khung dịch vụ khí hậu ở Việt Nam” theo Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu (GFCS) của WMO.

Để lại một bình luận