Đề tài thuộc chương trình KC.08 với mã số KC.08.20/16-20 do TS. Đỗ Tiến Anh làm chủ nhiệm.
Ngày 17/3, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nội bộ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp, tuần hoàn và tái sử dụng chất thải của một số làng nghề tái chế lưu vực sông Nhuệ – Đáy”.
PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng với vai trò là Chủ tịch hội đồng đã chủ trì buổi nghiệm thu.
Trình bày trước Hội đồng về các nội dung của đề tài, TS. Đỗ Tiến Anh đã nêu lên hiện trạng môi trường của lưu vực sông Nhuệ – Đáy. Theo đó, lưu vực sông Nhuệ – Đáy có diện tích 7665 km2 với 144 làng nghề chủ yếu là chế biến nông sản, thực phẩm, dệt may… Các hoạt động sản xuất này hiện đang gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng và cần phải có những giải pháp xử lý.
Từ hiện trạng đó, đề tài đã đặt ra mục tiêu tổng quát là: Xây dựng và triển khai áp dụng được một số mô hình phù hợp nhằm giảm thiểu nguyên, nhiên vật liệu, tuần hoàn, tái sử dụng chất thải phát sinh từ hoạt động của làng nghề tái chế nhựa, kim loại góp phần bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy.
Các mục tiêu cụ thể được xác định gồm: Nghiên cứu đề xuất được các giải pháp tổng hợp giảm thiểu chất thải, tuần hoàn tái sử dụng chất thải cho các làng nghề tái chế tái chế nhựa và tái chế kim loại phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội lưu vực sông Nhuệ – Đáy; Áp dụng 02 mô hình thí điểm cho các hộ tái chế nhựa, kim loại thuộc các làng nghề tái chế lưu vực sông Nhuệ – Đáy.
Sau hai năm thực hiện, chủ nhiệm đề tài đã cùng các cộng tác viên tiến hành khảo sát 3 làng nghề tái chế kim loại gồm Làng Bình Yên, Làng Vân Chàng và Làng Rùa Hạ; các làng nghề tái chế nhựa như Triều Khúc, Vô Hoạn. Sau quá trình khảo sát, xác định được hiện trạng sản xuất, hiện trạng môi trường và các giải pháp xử lý chất thải địa phương đang có, các chuyên gia thực hiện đề tài đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất được mô hình dự kiến cho tái chế kim loại và tái chế nhựa.
Cùng với các sản phẩm là mô hình cho làng nghề tái chế kim loại và nhựa, 2 mô hình được nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm và Pilot thì đề tài còn hoàn thành các sản phẩm dạng III và đào tạo như: 01 giải pháp hữu ích; 3 bài trong nước đã đăng tạp chí Tài nguyên và Môi trường, tạp chí KHCN Xây dựng, 1 bài báo quốc tế đã đăng trên tạp chí WST (ISI, Q2); Hỗ trợ NCS TS. làm Luận văn “Tích hợp mô hình IO trong phân tích dòng chất thải rắn liên ngành kinh tế Việt Nam và 02 thạc sĩ đã bảo vệ ngày 17/11/2020.
Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài trình bày về các nội dung đã thực hiện, Hội đồng nghiệm thu đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về mô hình tái chế cho các làng nghề. Với sự giải trình thuyết phục của chủ nhiệm đề tài và các cộng tác viên thì Hội đồng đã thảo luận và đánh giá các sản phẩm đã đáp ứng đầy đủ khối lượng, số lượng, chủng loại loại sản phẩm đã đăng ký của đề tài. Các sản phẩm của đề tài có chất lượng tốt, có tính ứng dụng thực tiễn cao trong việc giảm ô nhiễm môi trường.
Trước đó, ngày 11/3, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tiến hành họp tổ chuyên gia của đề tài. Tại buổi họp, các chuyên gia đã tiến hành đánh giá, cho ý kiến góp ý để hoàn thiện đề tài.