Luận án đã đánh giá được hiện trạng thực hiện và đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời đề xuất được giải pháp nhằm tăng cường năng lực và đóng góp cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng Công an nhân dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Tham dự buổi đánh giá của NCS. Nguyễn Văn Khiêm có đại diện cơ sở đào tạo là PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng (Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), các thành viên trong Hội đồng và nhiều chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trước đó, Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của NCS. Nguyễn Văn Khiêm đã được thành lập theo Quyết định số 340/QĐ-VKTTVBĐKH ngày 05 tháng 11 năm 2021 của Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu với 7 thành viên. Trong đó, PGS. TS. Dương Văn Khảm (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Chủ tịch hội đồng; TS. Đặng Quang Thịnh (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên thư ký; TS. Nguyễn Đăng Mậu (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên Phản biện 1; PGS. TS. Doãn Hà Phong (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên Phản biện 2; TS. Nguyễn Ngọc Bảo (Viện Khoa học và công nghệ, Bộ Công an Việt Nam) là Ủy viên; TS. Nguyễn Viết Tiến (Tổng cục Phòng chống thiên tai) và TS. Đoàn Quang Trí (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) là Ủy viên.
Tại Hội đồng, được sự cho phép của Chủ tịch, NCS. Nguyễn Văn Khiêm đã lần lượt trình bày các nội dung trong luận án của mình.
Công tác đánh giá các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành công an cần được thực hiện bài bản và đảm bảo tính khoa học
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21, đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu về năng lượng, tài nguyên nước, lương thực, các hệ thống kinh tế – xã hội… Biến đổi khí hậu, với các biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng, chủ yếu do các hoạt động kinh tế – xã hội của con người phát thải quá mức vào khí quyển gây hiệu ứng nhà kính.
Việt Nam là một trong ít quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Đến cuối thế kỷ 21, nếu mực nước biển dâng 1m, Việt Nam sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng, 10% dân số cả nước bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP [5]. Ước tính 70% dân số sẽ phải đối mặt với những thiên tai gia tăng do tác động từ biến đổi khí hậu.
Ngành Công an là một trong những bộ/ngành đóng góp quan trọng trong những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (GNTT). Theo Khoản 3, Điều 6 về nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai của Luật Phòng, chống thiên tai, Công an nhân dân được quy định là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền. Ngoài ra, ngành Công an còn có trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong phòng, chống thiên tai (PCTT). Trong những năm qua ngành Công an đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đã được những thành tựu lớn.
Tuy vậy, ngành Công an, đặc biệt là Công an ở đơn vị, địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại, phương án PCTT, tìm kiếm cứu nạn ở một số nơi vẫn chưa sát thực tế, công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” chưa thực sự được quan tâm đúng mức, thiếu nhiều phương tiện, thiết bị phục vụ PCTT nên hiệu quả ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai chưa cao. Tìm kiếm, cứu người trong các sự cố liên quan đến thiên tai vẫn chưa hoàn chỉnh, thiếu tính thống nhất, chưa mang tính chuyên nghiệp cao và phương tiện chuyên dùng, đặc chủng chưa đủ mạnh để chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra.
Để đáp ứng tốt yêu cầu thực tế của lực lượng Công an nhân dân (CAND) và phát huy được vai trò đối với các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu (ƯPBĐKH), PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cũng như khắc phục hậu quả thiên tai, công tác đánh giá các hoạt động này của ngành công an cần được thực hiện bài bản và đảm bảo tính khoa học. Do vậy, Luận án tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất các nội dung phục vụ công tác đánh giá các hoạt động PCTT và TKCN, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường năng lực thực hiện nhiệm vụ PCTT và TKCN của Bộ Công an trong bối cảnh BĐKH.
Xác định quy trình quản lý rủi ro thiên tai, đề xuất giải pháp cho lực lượng Công an nhân dân
Bằng việc nghiên cứu công tác PCTT và TKCN của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu, trên cơ sở phân tích dựa trên hiện trạng triển khai thực hiện công tác ƯPT của Bộ Công an, Luận án đã xác định quy trình quản lý rủi ro thiên tai theo quy trình khép kín 04 bước bao gồm các yêu cầu đặt ra cho công tác này, gồm: (1) Giai đoạn phòng ngừa và giảm thiểu, đây là giai đoạn được xác định là khoảng thời gian mà Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và địa phương xây dựng và thực hiện các hành động hàng năm khi chưa có các dự báo ngắn hạn liên quan đến 03/21 loại hình thiên tai, bão, lũ lụt, lũ quét; (2) Giai đoạn chuẩn bị, được xác định là giai đoạn từ khi Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và địa phương xây dựng và thực hiện các hành động khi có các dự báo ngắn hạn; (3) Giai đoạn ứng phó trong và ngay sau: Được xác định là giai đoạn từ khi Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương và cộng đồng thực hiện các hành động PCTT và TKCN trong và ngay sau khi thiên tai; (4) Giai đoạn phục hồi và tái thiết: Được xác định là giai đoạn từ khi Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương và cộng đồng thực hiện các hành động khôi phục, xây dựng lại khu vực bị ảnh hưởng, cũng như tiếp tục các nỗ lực ứng phó phù hợp đã được thực hiện trong giai đoạn khác trong vòng khép kín. Giai đoạn này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho giai đoạn 1 trong vòng tuần hoàn khép kín.
Luận án đã đánh giá theo hai hướng tiếp cận (từ trên xuống – phân tích việc thực hiện ƯPT của Bộ Công an; và, từ dưới lên – phân tích việc thực hiện ƯPT cấp tỉnh (lấy tỉnh Nghệ An làm thí điểm)) để đánh giá hiện trạng, nhu cầu trong triển khai công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn của ngành Công an. Trên cơ sở các phân tích nói trên, Luận án đã đề xuất được các giải pháp cho lực lượng Công an nhân dân nhằm tăng cường năng lực và đóng góp cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu, gồm: Để đảm bảo tốt cho công tác PCTT và TKCN trong bối cảnh BĐKH, cần chuẩn bị tốt về các nguồn lực như phương tiện, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra; Tăng cường đủ biên chế, đảm bảo chế độ chính sách, kinh phí cho lực lượng tham gia công tác ƯPT; Chú trọng công tác đào tạo huấn luyện, tập huấn, diễn tập, đáp ứng yêu cầu công tác ƯPT và PTDS; Tăng cường đào tạo, huấn luyện, tập huấn, diễn tập, đáp ứng yêu cầu công tác ƯPT và PTDS; cấp kinh phí phù hợp và chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức luyện tập, diễn tập phương án TKCN quy mô lớn với nhiều lực lượng tham gia; đầu tư xây dựng trung tâm huấn luyện TKCN với trang bị phương tiện, thiết bị, dụng cụ mô hình, học cụ phù hợp với thực tế để tổ chức huấn luyện cho CBCS nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác ƯPT; Xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng khi có tình huống sự cố, thiên tai, hiểm họa xảy ra….
Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu, Luận án mới thu thập thông tin thông qua điều tra khảo sát bằng bảng hỏi tại tỉnh Nghệ An, để có thể thu được kết quả đánh giá khách quan hơn, cần mở rộng điều tra khảo sát ở các địa phương khác.
Sau phần trình bày của NCS. Nguyễn Văn Khiêm, các thành viên Hội đồng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho luận án. Kết thúc phiên họp kín, Hội đồng đánh giá luận án đạt và NCS. cần tiếp tục hoàn thiện luận án cho buổi đánh giá cấp Viện.