Chiều ngày 02/12/2021 Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội thảo khoa học luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh (NCS) Trần Đỗ Bảo Trung với đề tài luận án: “Nghiên cứu phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế trong triển khai giải pháp giảm phát thải khí nhà kính của giao thông công cộng đô thị tại Việt Nam”, ngành: Biến đổi khí hậu; Mã số: 9440221.
PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương chủ trì hội thảo
Hội thảo diễn ra bằng hình thức bán trực tuyến dưới sự chủ trì của PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) với sự tham gia của đại diện cơ sở đào tạo là PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng (Viện trưởng) cùng các chuyên gia đầu ngành về biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại Hội thảo, NCS. Trần Đỗ Bảo Trung đã lần lượt trình bày các nội dung của luận án. Trong đó, nói về tính cấp thiết của đề tài, NCS cho biết, thực tế hiện nay ở trong nước có một số nghiên cứu liên quan đến vấn đề lượng giá đồng lợi ích đã được thực hiện trong lĩnh vực quản lý chất thải, tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào liên quan đến việc lượng giá đồng lợi ích trong lĩnh vực giao thông công cộng.
TS. Đặng Quang Thịnh – Đại diện Bộ môn Biến đổi khí hậu tuyên bố lý do
Việc lựa chọn đề tài được NCS kỳ vọng sẽ góp phần cung cấp một cái nhìn chi tiết hơn về các tác động kinh tế – xã hội – môi trường. Để làm được điều đó, Luận án sẽ sử dụng kết các mô hình, phương pháp kinh tế để có thể xác định được tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính và lượng giá đồng lợi ích trong quá trình triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông công cộng đô thị.
Mục đích nghiên cứu của luận án được nêu ra gồm: Xác định được các giải pháp công nghệ giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông công cộng đô thị của thành phố Hà Nội; Xác định được phương pháp luận lượng giá đồng các lợi ích trong triển khai công nghệ giảm phát thải khí nhà kính của lĩnh vực giao thông công cộng đô thị tại Hà Nội.
NCS. Trần Đỗ Bảo Trung trình bày các nội dung của luận án
Bằng việc nghiên cứu giải pháp chuyển đổi từ phương tiện cá nhân (xe máy) sang phương tiện công cộng (xe buýt thường, xe buýt nhanh BRT, tàu điện trên cao) tại thành phố Hà Nội (một trong ba thành phố được lựa chọn để triển khai giải pháp E16 trong NDC cập nhật của Việt Nam) trong giai đoạn 2020 – 2030, luận án đã có nhiều đóng góp mới.
Đầu tiên, luận án đã xác định được mức độ chuyên chở tối thiểu của các loại phương tiện giao thông công cộng để tạo ra tiềm năng giảm pháp thải khí nhà kính khi thay thế việc sử dụng phương tiện xe máy. Từ đó hỗ trợ cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách và đầu tư về giao thông công cộng tại thành phố Hà Nội có thể xác định được các điều kiện cần thiết để lựa chọn các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của thành phố Hà Nội.
Việc kết hợp giữa mô hình AERMOD và phương pháp lượng giá kinh tế đã lượng giá được đồng lợi ích về sức khỏe do ô nhiễm môi trường không khí khi thay thế việc sử dụng xe máy sang các giải pháp công nghệ giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông công cộng đô thị tại Hà Nội.
Cùng với đó, luận án đã lượng giá được đồng lợi ích của giải pháp công nghệ giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông công cộng đô thị cho thành phố Hà Nội. Đây sẽ là cơ sở khoa học có thể sử dụng để xác định các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính có thể đáp ứng việc phát triển hài hòa giữa kinh tế – xã hội – môi trường và có khả năng ứng dụng cho các thành phố khác ở Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Các thầy cô sau khi nghe các nội dung của đề tài đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để NCS tiếp tục hoàn thiện luận án cho các bước tiếp theo.