Thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số và khoa học mở trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đất nước

Đó là chủ đề Hội thảo khoa học thường niên lần thứ XXIV của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) vừa được tổ chức tại trụ sở Viện sáng ngày 17/3.

Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho biết, trong những năm qua, Viện KTTVBĐKH đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện thành công nhiều đề tài, dự án thuộc các chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở và các dự án hợp tác quốc tế. Tính riêng trong năm 2023, Viện tiếp tục triển khai 04 đề tài cấp Nhà nước (03 đề tài chuyển tiếp thuộc chương trình 562 và 01 đề tài mở mới độc lập cấp Nhà nước); triển khai thực hiện 06 đề tài cấp Bộ với 02 đề tài chuyển tiếp và 04 đề tài mở mới; tiếp tục thực hiện 02 nhiệm vụ chuyên môn chuyển tiếp và 01 chuyên môn nhiệm vụ mở mới. Các kết quả đạt được sẽ tiếp tục góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cũng luôn tích cực trong công tác đào tạo trình độ tiến sĩ cho các ngành học về Khí tượng khí hậu học, thủy văn học, Quản lý Tài nguyên môi trường và Biến đổi khí hậu. Hiện nay có 23 nghiên cứu sinh đang nghiên cứu và học tập tại Viện.

Nhằm tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của Viện trong thời kỳ hội nhập, Hội thảo khoa học thường niên lần thứ XXV với chủ đề “Thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số và khoa học mở trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đất nước” đã được tổ chức. Đây là dịp để các nhà khoa học chia sẻ những kết quả và trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu, đồng thời là cơ hội để các cán bộ nghiên cứu trẻ trong Viện có điều kiện nâng cao năng lực và sự tự tin trong việc trình bày, trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học của mình.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn phát biểu tại hội thảo

Hội thảo đã chia thành hai Tiểu ban chủ đề. Tại Tiểu ban Khí tượng – Khí hậu và Biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã chia sẻ về các đề tài: Đánh giá thiệt hại kinh tế của nước biển dâng do BĐKH đến sử dụng đất nông nghiệp tỉnh Nam Định; Cách tiếp cận dựa vào thị trường trong ứng phó với BĐKH và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; Đảo nhiệt đô thị tại Hà Nội và một số giải pháp phát triển đô thị ứng phó với BĐKH; Vai trò của số liệu radar trong đồng hoá cập nhật nhanh dự báo mưa lớn hạn cực ngắn cho TP. Hồ Chí Minh; Nghiên cứu chỉ tiêu xác định thay đổi cường độ, quỹ đạo đột ngột và của Bão trên khu vực Biển Đông; Đánh giá ước lượng mưa do bão từ dữ liệu vệ tinh GSMAP và TRMM trên khu vực Việt Nam.

Tiểu ban Khí tượng – Khí hậu và Biến đổi khí hậu

Tại Tiểu ban Thủy văn, Hải văn và Môi trường, các nhà khoa học đã chia sẻ về các đề tài: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo thủy văn, tài nguyên nước trên các lưu vực sông Việt Nam; Xây dựng phần mềm tích hợp công nghệ WED-GIS trong cảnh báo sớm nguồn nước mặt mùa cạn vào vùng đồng bằng sông Cửu Long; Tính toán các thông số thủy văn công trình thích ứng biến đổi khí hậu cho xây dựng cầu Suối Xem và Tà Súc trên tuyến đường ĐT637, huyện Vĩnh Thạnh tỉnh Bình Định; Đánh giá tác động của BĐKH tới tài nguyên nước mặt tỉnh Bắc Giang; Đánh giá ảnh hưởng của tuyến cao tốc Vân Phong – Nha Trang đến khả năng tiêu thoát lũ lưu vực sông Cái Nha Trang; Ảnh hưởng của một số yếu tố lên sinh trưởng của Bacillus thuringiensis trong môi trường sử dụng bùn hoạt tính của nhà máy bia.

Tiểu ban Thủy văn, Hải văn và Môi trường