Báo cáo kỹ thuật: Đóng góp dự kiến do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam, 2015

LỜI GIỚI THIỆU:
 
 

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại. Mọi quốc gia đều phải có những đóng góp cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất cho thế hệ hom nay và thế hệ mai sau. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chủ động và tích cực xây dựng Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định INDC) của mình. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện; thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của các Bộ, ngành Việt Nam, các nhà khoa học và Hội đồng tư vấn cho Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu (VPCC) xây dựng INDC của Việt Nam.

Hàng chục Hội thảo tham vấn cấp quốc gia, cấp ngành đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện các Bộ, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, VPCC, các doanh nghiệp và các đối tác phát triển quốc tế góp ý cho Dự thảo INDC. Dự thảo INDC cũng đã được các Bộ, ngành xem xét, cho ý kiến chính thức. Các ý kiến đóng góp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, hoàn thiện năm 2015, INDC của Việt Nam đã được đệ trình Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đúng thời hạn.

INDC của Việt Nam gồm các đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có đóng góp vô điều kiện và đóng góp có điều kiện. Các đóng góp vô điều kiện là các hoạt động sẽ được thực hiện bằng nguồn lực trong nước, các đóng góp có điều kiện là những hoạt động có thể thực hiện nếu nhận được hỗ trợ về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực từ quốc tế. Trong điều kiện kinh tế – xã hội của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cố gắng có những đóng góp thể hiện nỗ lực cao nhất và có thể đạt được.

Để triển khai thực hiện INDC, Việt Nam cần phải chuẩn bị về mọi mặt, từ thể chế, nguồn nhân lực, đến công nghệ và nguồn lực. Việt Nam sẽ dành ưu tiên cao nhất để thực hiện phần đóng góp vô điều kiện đã cam kết, phần còn lại cần có sự hỗ trợ quốc tế và sự tham gia tích cực của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (Công ước Khí hậu- UNFCCC) đang trong quá trình đàm phán một thỏa thuận quốc tế mới về biến đổi khí hậu (BĐKH) cho giai đoạn sau năm 2020. Theo tính toán của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), để giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ tăng không quá 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thì cả thế giới phải khống chế tổng hợp lượng phát thải khí nhà kính (KNK) do con người gây ra đến cuối thế kỷ ở mức dưới 1000 tỷ tấn C tương đương (Ctđ). Nhằm đạt được mục tiêu này, các nước phát triển cần cam kết giảm nhẹ phát thải KNK mạnh mẽ và các nước đang phát triển cũng cần có những đóng góp cụ thể. Trong bối cảnh đó, Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khí hậu lần thứ 19 (COP19) tại Ba Lan năm 2013 đã kêu gọi tất cả các Bên xây dựng “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (INDC), trong đó, đề xuất các mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK, cùng góp phần đạt mục tiêu của Công ước khí hậu.  

Trả lời