Công bố kết quả Hội nghị COP 26 và giới thiệu Kịch bản Biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020

Chiều 7/12 Cục Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội thảo trực tuyến công bố kết quả Hội nghị COP 26. Tại Hội thảo, PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà đại diện Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã giới thiệu Kịch bản Biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì Hội thảo trực tuyến công bố kết quả Hội nghị COP26

Các tổ chức, đối tác quốc tế sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, song song với phòng, chống đại dịch COVID-19, vấn đề biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất và trở thành vấn đề khẩn cấp đối với nhân loại trên toàn cầu. Điều đó đã được thể hiện qua khẩu hiệu “Đoàn kết thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu” của Hội nghị COP26 vừa được tổ chức rất thành công tại Vương quốc Anh với những cam kết hành động rất mạnh mẽ cùng với sự quyết tâm rất cao của toàn nhân loại.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Đoàn cấp cao của Việt Nam đã tham gia và phát biểu tại các phiên họp quan trọng của COP26 và góp phần vào thành công của Hội nghị. Đặc biệt, phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đã sử dụng lời kêu gọi “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới để kêu gọi thế giới đoàn kết chống lại thảm họa BĐKH.

Nhiều nội dung, cam kết hành động được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26, bao gồm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê-tan; tham gia Tuyên bố toàn cầu chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch, Tuyến bố Glasgow của các lãnh đạo về rừng và sử dụng đất… là những minh chứng cho thấy sự nhạy bén, tầm nhìn mang tầm thời đại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. “Những cam kết này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao bởi các cam kết của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của nhân loại để lựa chọn mô hình phát triển không gây tổn hại cho thế hệ hôm nay và mai sau.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Không chỉ có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị, Việt Nam đã có sự chuẩn bị lộ trình thực hiện; trong đó, có việc đưa các nội dung ứng phó với BĐKH thực hiện các cam kết đóng góp thực hiện Thỏa thuận Paris vào Luật BVMT năm 2020, Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn cùng với các văn bản, Đề án trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2021; xây dựng các quy định thực hiện giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH đáp ứng yêu cầu minh bạch. “Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động toàn dân thực hiện ứng phó với BĐKH.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Thể hiện quan điểm sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam thực hiện tốt mục tiêu thích ứng với BĐKH, chia sẻ tại Hội thảo, Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward thông tin, tại COP26 đã có 196 quốc gia đồng ý với ‘Gói Thỏa thuận Khí hậu Glasgow’ – hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C; đồng ý với quy tắc minh bạch về giảm phát thải, tiêu chuẩn giao dịch carbon (Bộ quy tắc về Thỏa thuận khí hậu Paris); Cam kết giảm dần than và chuyển đổi công bằng cho các nước đang phát triển, tăng tài chính xanh lên mức 100 tỷ đô la/năm vào năm 2023.

Bên cạnh đó, có 450 tổ chức tài chính sở hữu tài sản 130 triệu đô la đã cam kết tham gia Liên minh Tài chính Glasgow, hướng tới mục tiêu đạt phải thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hơn 5.000 doanh nghiệp, 1.000 thành phố và 1.000 tổ chức giáo dục đã tham gia chiến dịch “Mục tiêu phát thải bằng không”.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sẽ huy động tới 8,5 tỷ USD trong khuôn khổ tài chính mới để hỗ trợ hành động về khí hậu và phát triển bền vững. Cơ chế Thị trường Vốn (thuộc Quỹ CIF) sẽ cung cấp tới 7 tỷ đô la, tạo đòn bẩy phát triển các dự án năng lượng sạch trị giá 70 tỷ đô la .

Tin tưởng vào vai trò lãnh đạo và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị cũng như các chính sách để thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian vừa qua, Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward cho biết, Vương Quốc Anh nói chung và các cộng đồng, tổ chức quốc tế sẽ đồng hành và hỗ trợ để Việt Nam có thể huy động được nhiều nguồn lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ đầu tư vào giao thông, nông nghiệp, năng lượng… để thực hiện các cam kết và mục tiêu đề ra.

Đồng quan điểm với ông Gareth Ward, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam ấn tượng với những cam kết của Việt Nam tại COP26. Bà Caitlin Wiesen cho rằng, để đạt được những kỳ vọng tại COP26, Việt Nam cần phải điều chỉnh các quy hoạch về phát triển năng lượng, tài nguyên, đưa ra các văn bản, kế hoạch chiến lược phát triển dài hạn và UNDP cùng các đối tác quốc tế đưa ra cam kết chắc chắn với việc cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu. Theo bà Caitlin Wiesen, các nhà tài trợ có cùng chí hướng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam huy động các nguồn lực quốc tế, bao gồm sự kết hợp giữa tăng cường đầu tư công và tư, huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi để giảm chi phí cho Việt Nam, đồng thời, cung cấp chuyên môn, kiến thức và công nghệ cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và cải thiện môi trường.

Cam kết sự đồng hành với cam kết của Việt Nam tại COP26, Công sứ OKABE Dasuke của Đại sứ quán Nhật Bản cho biết, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam có những thay đổi mạnh mẽ trên cơ sở Hội nghị COP26 vào tháng 11 và Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản – Việt Nam vừa qua. Đầu tiên, Nhật Bản vô cùng hoan nghênh mục tiêu tham vọng của Việt Nam là đạt trung hòa các–bon vào năm 2050. Mục tiêu này cũng phù hợp với mục tiêu 1.5 của Thỏa thuận Paris.

Công sứ OKABE Dasuke cho biết thêm, một trong các thành quả của chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính là sự kiện Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Yamaguchi đã thống nhất ký kết Bản thỏa thuận hợp tác mới giữa hai Bộ. Đó là Kế hoạch hành động chung về Biến đổi khí hậu nhằm hướng tới trung hòa các–bon vào năm 2050 (Joint Cooperation Plan on Climate Change toward Carbon Neutrality by 2050). Do đó, Nhật Bản đã khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa cho mục tiêu trung hòa các–bon và chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ghi nhận vai trò quan trọng của Việt Nam và của mọi người trong việc đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và cam kết của quốc gia trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, thể hiện rõ qua việc nộp Bản đóng góp cập nhật do quốc gia xác định (NDC) vào tháng 9 năm 2021, cam kết về không phát thải ròng vào năm 2050, và sự tham gia chính và tham gia vào các tuyên bố khác nhau tại COP26.

Đại diện ADB cho biết, hiện nay, ADB đã nâng cao tham vọng cung cấp 100 tỷ đô la tài trợ khí hậu cho các nước đang phát triển từ năm 2019–2030, nhằm điều chỉnh hoàn toàn các cam kết với Thỏa thuận Paris, đồng thời, tăng quy mô đầu tư vào thích ứng và chống chịu với mức tích lũy tài trợ 9 tỷ đô la từ năm 2019–2024, bao gồm lồng ghép khí hậu và khả năng chống chịu thiên tai. Do đó, ADB cam kết hỗ trợ Việt Nam cũng như các nước thành viên đang phát triển khác bằng kiến thức, chuyên môn và nguồn lực tốt nhất của mình trong việc đáp ứng và nâng cao các mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu.

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, là một nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế trong khi lại chịu nhiều tác động của BĐKH, Việt Nam vẫn quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH toàn cầu. Để thực hiện, cần có sự hỗ trợ và hợp tác của cộng đồng quốc tế cả về tài chính và chuyển giao công nghệ cùng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cao cả nhưng hết sức khó khăn này để bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất cho thế hệ hôm nay và mãi về sau.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn các nước, các tổ chức trong và ngoài nước cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác, chung tay cùng Việt Nam ứng phó với BĐKH, nhằm thực hiện NDC của Việt Nam cũng như các nội dung Việt Nam cam kết tại COP26.

Bộ trưởng cho biết, COP26 đã mở ra ra một thời kỳ mới làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của các quốc gia trên thế giới trước những vấn đề toàn cầu như hiện nay từ dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng xử với thiên nhiên… Do đó, “muốn đi xa phải đi cùng nhau” và phát triển bền vững, Bộ trưởng mong muốn các nước, các tổ chức trong và ngoài nước cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác, chung tay cùng Việt Nam ứng phó với BĐKH, nhằm thực hiện NDC của Việt Nam cũng như các nội dung Việt Nam cam kết tại COP26.

Công bố Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020

Trong những năm qua, kịch bản biến đổi khí hậu đã liên tục được xây dựng, cập nhật và công bố nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về những biểu hiện, xu thế biến đổi trong quá khứ và những dự tính biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam.

 

GS. Trần Thục (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) tại Hội thảo

Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố lần đầu tiên Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm kịp thời phục vụ các Bộ, ngành và các địa phương trong đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành, lĩnh vực và khu vực, đồng thời là cơ sở phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2010-2015. Mức độ chi tiết của Kịch bản 2009 chỉ giới hạn cho 7 vùng khí hậu và dải ven biển Việt Nam.

Năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa trên các nguồn dữ liệu, các điều kiện khí hậu cụ thể của Việt Nam và các sản phẩm của các mô hình khí hậu. Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2012 được xây dựng chi tiết đến cấp tỉnh, kịch bản nước biển dâng được chi tiết cho các khu vực ven biển Việt Nam theo từng thập kỷ của thế kỷ 21.

Năm 2016, Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng được công bố theo lộ trình đã được xác định trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về những biểu hiện, xu thế biến đổi của khí hậu trong quá khứ và kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam. Số liệu quan trắc được cập nhật đến năm 2014, phương pháp chi tiết hóa động lực được sử dụng kết hợp với phương pháp thống kê để hiệu chỉnh sản phẩm từ mô hình. Kịch bản năm 2016 đã phục vụ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.

 

Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020

Thực hiện Luật Khí tượng thủy văn (2015), Kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật năm 2020 dựa trên cơ sở các công bố mới nhất của của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), bao gồm Báo cáo đặc biệt về sự ấm lên toàn cầu vượt ngưỡng 1,5oC; Báo cáo đặc biệt về biến đổi khí hậu và đất; Báo cáo đặc biệt về thay đổi đại dương và thay đổi băng quyển; Đánh giá của Việt Nam về biểu hiện của biến đổi khí hậu trên thế giới, trong khu vực, và tại Việt Nam; Kết quả đánh giá và kế thừa các kịch bản biến đổi khí hậu kỳ trước. Kịch bản năm 2020 sử dụng số liệu quan trắc cập nhật đến năm 2018, số liệu mô hình số độ cao cập nhật đến năm 2020, bổ sung 10 phương án mô hình toàn cầu và 6 mô hình khu vực để dự tính các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nguy cơ ngập do nước biển dâng chi tiết đến các đơn vị hành chính cấp huyện, các đảo và quần đảo của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Kịch bản biến đổi khí hậu 2020, cung cấp cơ sở định hướng phục vụ Kế hoạch Quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn tiếp theo cho các Bộ, ngành, và địa phương đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.

 

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà giới thiệu nội dung của Kịch bản Biến đổi khí hậu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày các nội dung chính của Kịch Bản Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020.

Để lại một bình luận