Định hướng ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn tới của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Hội thảo “Chia sẻ về định hướng ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn tới của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới” vừa được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tổ chức sáng ngày 19 tháng 11 tại Hà Nội.

 

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện KHKTTV&BĐKH phát biểu tại Hội thảo

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước với mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc. Đây là vùng có lợi thế về phát triển đa dạng các ngành từ nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang diễn ra và tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân. Chính vì vậy, việc xây dựng các định hướng ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu cho người dân nơi đây trong bối cảnh mới càng trở nên cấp thiết.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện KHKTTV&BĐKH cho biết, tại Hội nghị đánh giá 03 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu vào tháng 3 vừa qua cho thấy, dù thời gian triển khai thực hiện chưa dài, nhưng đã đạt được một số kết quả ban đầu rất quan trọng, cụ thể là việc kiến tạo các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Trong đó, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng được xếp đầu tiên trong 4 lĩnh vực chính trong chủ trương thích ứng thuận thiên, phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ĐBSCL.

Trong thời gian vừa qua, một số chuyển đổi chính sách đã đem lại hiệu quả lớn tại ĐBSCL như: Tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trước hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời như Nhà máy điện gió Bạc Liêu 1 và 2 đã hoàn thành, khởi công các nhà máy điện gió: Bạc Liêu 3, Khai Long – Cà Mau, Hàn Quốc – Trà Vinh, Bình Đại – Bến Tre…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã chủ động triển khai một số mô hình kinh tế phù hợp thích ứng với BĐKH như mô hình tòa nhà công sở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời tại tỉnh Vĩnh Long… Những chính sách này cho thấy sự chuyển đổi phù hợp và bắt kịp với xu hướng chung của quốc tế.

Năm 2021, đối mặt với tình hình dịch bệnh Covid19 diễn biến phức tạp, ĐBSCL đã phải chịu những ảnh hưởng hết sức nặng nề nhưng cũng là cơ hội để giúp phục hồi sau đại dịch theo hướng thân thiện tự nhiên, ứng phó với BĐKH. Đây cũng là quan điểm của Việt Nam khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tham luận và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Bà Phùng Thị Thu Trang, Phó trưởng Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế phát biểu tại Hội thảo

Đặc biệt, tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Thủ tướng đã đưa ra các cam kết trong việc cắt giảm 30% khí metan vào năm 2030 và cam kết đạt “Net zero” vào năm 2050. Những cam kết mạnh mẽ này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế rất hoan nghênh và đánh giá cao. Do đó, giai đoạn tới ĐBSCL cần phải xây dựng Chiến lược, kế hoạch chi tiết, đưa ra lộ trình cụ thể để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục chính sách ứng phó với BĐKH, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển để thực hiện các cam kết nêu trên.

 
Toàn cảnh Hội thảo 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều vấn đề khác nhau như: Chính sách phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Tình hình cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh An Giang, Kiên Giang giai đoạn 2021-2030; Phân tích các cơ hội tiềm năng để địa phương tiếp cận được với các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu từ khối doanh nghiệp, tư nhân, NGO và các tổ chức quốc tế; nâng cao tham vọng và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2021-2050 của địa phương thuộc khu vực ĐBSCL…

Nằm trong chuỗi các sự kiện thúc đẩy các hành động hướng đến mục tiêu Net zero, Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương trong cả nước cùng thảo luận tình hình triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, xác định các khoảng trống, định hướng ưu tiên ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy mục tiêu “Net Zero” trong kế hoạch hành động giai đoạn sau năm 2021 của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

 

Trả lời