Giải pháp xanh giảm phát thải khí nhà kính trong các thành phố

Trong khuôn khổ các hoạt động triển khai nhằm hỗ trợ các thành phố tham gia chương trình Thành phố Xanh (OPCC) giai đoạn 2021 – 2022, sáng ngày 10/12 tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam và UBND thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) tổ chức “Hội thảo giải pháp xanh giảm phát thải khí nhà kính trong các thành phố”.

 

Bà Phùng Thị Thu Trang – Phó trưởng Phòng Khoa học, đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam nhận thức rõ mức độ và ảnh hưởng của BĐKH đối với đời sống, kinh tế – xã hội và an ninh, quốc phòng. Chính vì vậy mà nước ta đã chủ động, sớm tham gia và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế bằng việc ký kết các công ước, nghị định quốc tế về biến đổi khí hậu; trong đó, phải kể đến Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris về khí hậu;…

Tại Hội nghị COP26, ngoài tuyên bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu, Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch. Những tuyên bố hết sức mạnh mẽ của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao. Tuy nhiên, để thực hiện các cam kết này, Việt Nam cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.

 

Ông Đỗ Đình Chiến, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Dịch vụ Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phát biểu

Theo ông Đỗ Đình Chiến, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Dịch vụ Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, để thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam đã xây dựng các chương trình, kế hoạch sử dụng tiết kiệm tài nguyên, phát triển năng lượng tái tạo, tăng cường đóng góp tài chính cho BĐKH và Quỹ Khí hậu xanh, đồng thời thu hút và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc triển khai các dự án giảm phát thải khí nhà kính như sản xuất sạch hơn, năng lượng tái tạo, nông nghệp xanh, sản xuất xanh, giao thông xanh, du lịch xanh…

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Trung Hậu – Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển đổi sang các dạng năng lượng tái tạo và thúc đẩy các giải pháp xanh, các giải pháp dựa vào tự nhiên là xu hướng tất yếu của các thành phố trong tương lai, đóng một vai trò quan trọng để giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như đã cam kết. Đây cũng là những mục tiêu và và nội dung ưu tiên trong các văn bản quyết sách quan trọng của tỉnh Quảng Nam liên quan đến các công tác về ứng phó với BĐKH và phát triển kinh tế địa phương như: Quyết định số 3462/QĐ-UBND Ban hành Kế hoạch thực hiên Thoả thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Kế hoạch hành động Tăng trưởng Xanh tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2025; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020 và sau năm 2020. Tỉnh Quảng Nam đã và đang thể hiện quyết tâm cao cùng Chính phủ để đạt được mục tiêu theo kế hoạch thực hiện thoả thuận Paris về BĐKH.

 

Ông Trần Trung Hậu – Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ

Đồng quan điểm với ông Trần Trung Hậu, phát biểu tại Hội thảo, Bà Phạm Thị Cẩm Nhung, đại diện WWF Việt Nam cho biết, Chương trình thành phố xanh quốc tế 2021-2022 (OPCC) với chủ đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững do WWF tổ chức nhằm động viên và phổ biến các hành động ứng phó với BĐKH cho các thành phố trên khắp thế giới. OPCC được tổ chức thí điểm ở Thụy Ðiển năm 2011 và đã lan tỏa khắp thế giới với khoảng 250 thành phố của 53 quốc gia.

Thông qua việc tham gia OPCC, các thành phố nâng cao nhận thức của công chúng, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Với kỳ vọng đến năm 2030, hầu hết các tỉnh, thành phố của Việt Nam đều xây dựng được các mục tiêu cụ thể và chính xác trong hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Chương trình OPCC hy vọng có thể giúp đỡ các thành phố trong tiến trình triển khai các hoạt động nhằm đóng góp cho các mục tiêu chiến lược chung trong bản Đóng góp do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC), Chiến lược Tăng trưởng Xanh quốc gia và Hiệp định Paris, hướng tới thúc đẩy Chiến dịch “Race to Zero”.

 

Bà Phạm Thị Cẩm Nhung, đại diện WWF Việt Nam

Được tổ chức nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng Xanh và giảm phát thải khí nhà kính, Hội thảo đã lắng nghe các chuyên gia trình bày về các nội dung như: Chương trình thành phố xanh và các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính; Công cụ kiểm kê phát thải khí nhà kính quy mô thành phố; Kết quả COP26 và mục tiêu Net-zezo; Các hoạt động bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

 

Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu

Với sự tham gia của gần 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện các cơ quan liên quan, Hội thảo đã nhận được nhiều sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của các Sở, ban ngành, các đoàn thể, các nhà khoa học,… để giúp thành phố Tam Kỳ nói riêng và các thành phố trong cả nước nói chung có thể hoàn thiện và triển khai các mục tiêu trong công tác ứng phó với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính.

Trả lời