Sáng ngày 13/7, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Thị Ngọc Ánh với đề tài luận án: “Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất phương pháp đánh giá tổn thất và thiệt hại đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn do biến đổi khí hậu gây ra tại Việt Nam”; Ngành: Biến đổi khí hậu; Mã số: 9440221.
PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh chủ trì buổi đánh giá
Buổi đánh giá Luận án cấp Cơ sở của NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh diễn ra với sự tham dự của đại diện cơ sở đào tạo là GS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương, PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cùng các chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hội đồng đánh giá Luận án cấp Cơ sở của NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh được thành lập theo Quyết định số 152/QĐ-VKTTVBĐKH, ngày 17 tháng 6 năm 2022 của Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu gồm 7 thành viên. Trong đó, PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Chủ tịch hội đồng; TS. Đào Minh Trang (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên thư ký; TS. Nguyễn Sỹ Linh (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường) là Ủy viên Phản biện 1; TS. Đỗ Tiến Anh (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) là Ủy viên Phản biện 2; TS. Đoàn Thị Thanh Hương (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên; TS. Trần Thị Thanh Nga (Cục Biến đổi khí hậu) và TS. Trần Thanh Thủy (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là hai Ủy viên.
Dưới sự chủ trì của PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã trình bày các nội dung của Luận án.
Theo đó, tại Việt Nam hiện nay, tổn thất và thiệt hại (TT&TH) đối với hệ sinh thái (HST) rừng ngập mặn (RNM) liên quan đến biến đổi khí hậu (BĐKH) chưa có nhiều nghiên cứu để đo lường, đánh giá. Xuất phát từ thực tiễn này, luận án được xây dựng với mong muốn cung cấp cơ sở khoa học để các nhà quản lý, các chuyên gia nhận diện và xác định được những thiệt hại liên quan đến BĐKH đối với hệ sinh thái RNM; xây dựng các giải pháp ứng phó và quản lý, bảo tồn RNM trong bối cảnh BĐKH.
NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh trình bày luận án
Trải qua thời gian dài nghiên cứu, Luận án đã đánh giá tổn thất và thiệt hại hệ sinh thái rừng ngập mặn do BĐKH tại vườn quốc gia Mũi Cà Mau bằng phương pháp dựa vào cộng đồng kết hợp viễn thám/GIS và lượng giá kinh tế.
Kết quả đánh giá cho thấy có thể nhận diện được các loại hình TT&TH HST RNM tại VQG Mũi Cà Mau với nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ BĐKH. Các dịch vụ do HST RNM mang lại như dịch vụ cung cấp (nguồn cung cấp gỗ, củi, dược liệu, thuỷ/hải sản); dịch vụ hỗ trợ (diện tích RNM, các loài thực, động vật trong RNM, nơi cư trú của các loài); dịch vụ điều tiết (dịch vụ phòng hộ, chống sạt lở bờ biển) đều được nhận định suy giảm ở các mức độ khác nhau. Dịch vụ văn hóa, giải trí (tập trung vào lĩnh vực du lịch) trong thời gian qua có xu hướng tăng do triển khai chủ trương, định hướng phát triển du lịch của tỉnh.
Luận án đã sử dụng phương pháp viễn thám, GIS và lượng giá kinh tế để đánh giá định lượng thiệt hại đối với dịch vụ phòng hộ, chống sạt lở bở biển của vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Diễn biến đường bờ biển là nguồn dữ liệu quan trọng để đánh giá mức độ xói lở và bồi tụ của bãi biển, do phía bờ Đông bị xói lở hàng năm nên TT&TH với dịch vụ phòng hộ, chống sạt lở bờ biển vẫn diễn ra.
Các thầy cô trong Hội đồng
Trong giai đoạn từ 1995-2020, mỗi năm chiều dài bờ Đông bị xói lở trung bình khoảng 9,8 m/năm, giá trị TT&TH do sạt lở bờ biển tại bờ biển tại khu vực này được ước tính khoảng 432 triệu đồng/năm. Trung bình, diện tích đất đã bị mất do sạt lở khoảng 159 ha trong cả giai đoạn từ 1995-2020. Do vậy, dịch vụ phòng chống sạt lở bờ biển của HST RNM bị suy giảm. Ước tính với 159 ha diện tích đất bị sạt lở trung bình mỗi năm trong giai đoạn 1995 – 2020, TT&TH HST RNM tại khu vực nghiên cứu khoảng 5.247 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, theo kịch bản BĐKH và NBD năm 2020, Luận án cũng ước tính được diện tích RNM bị giảm và mức độ sạt lở tại bờ Đông năm 2100, theo đó, các dịch vụ do HST RNM cung cấp cũng có xu hướng suy giảm. Theo kịch bản RCP 8.5, dự báo diện tích RNM bị giảm khoảng 28% vào năm 2050, giảm khoảng 72% vào năm 2100; Ước tính sạt lở bờ Đông vào năm 2100 khoảng từ 1.788,5m – 1.837,5m.
Luận án cũng đi tới kết luận, để giảm thiểu TT&TH đối với HST RNM liên quan đến BĐKH, góp phần quản lý, bảo vệ và phục hồi RNM nói chung tại Việt Nam và giảm thiểu TT&TH đối với HST RNM VQG Mũi Cà Mau nói riêng, cần xây dựng và thực hiện các giải pháp ưu tiên cụ thể về thể chế, nguồn lực, cơ sở dữ liệu, truyền thông và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Đặc biệt, tại khu vực VQG Mũi Cà Mau, cần triển khai các giải pháp xây bờ kè bảo vệ VQG theo Quyết định số 1332/QĐ-UBND ngày 16/7/2020 của UBND tỉnh Cà Mau. Sở TNMT tỉnh Cà Mau cần phối hợp với VQG Mũi Cà Mau xây dựng và triển khai việc thực hiện chi trả dịch vụ hệ sinh thái tại VQG Mũi Cà Mau theo quy định của pháp luật, coi đây là một chiến lược tạo cơ chế tài chính cho bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân trong vùng. Các cấp chính quyền tại địa phương cần phối hợp, triển khai các mô hình đồng quản lý rừng, huy động nguồn lực tài chính để trồng rừng, phục hồi và bảo vệ rừng; tăng cường công tác đê bao điều tiết, cống ngăn mặn nhằm hạn chế tác động của NBD và xâm nhập mặn đến hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Giáo viên hướng dẫn nhận xét về NCS
Các thầy cô trong Hội đồng đã đưa ra nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá Luận án. Sau phiên họp kín, các thành viên trong Hội đồng đánh giá Luận án của NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh đạt yêu cầu nhưng cần tiếp tục chỉnh sửa để chuẩn bị cho buổi đánh giá cấp Viện.