Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Nguyễn Thanh Trang

Chiều ngày 16/12, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án cấp Viện cho nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Thanh Trang với đề tài: “Nghiên cứu trường dòng chảy vịnh bắc bộ sử dụng dữ liệu quan trắc từ hệ thống radar biển và đồng hóa trong mô hình số trị”, ngành: Hải dương học; Mã số: 9440228.

TS. Trần Thục chủ trì buổi đánh giá

Tham dự buổi đánh giá cấp Viện của NCS. Nguyễn Thanh Trang có đại diện cơ sở đào tạo là PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), cùng đại diện các cơ quan phối hợp đào tạo với Viện và các chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường.

Tại buổi đánh giá, TS. Trần Thanh Thủy (Trưởng phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế) đã tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và công bố Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án cấp Viện cho NCS. Nguyễn Thanh Trang.

TS. Nguyễn Xuân Hiển, Thư ký Hội đồng đọc lý lịch đào tạo của NCS

Theo đó, Hội đồng đánh luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS. Nguyễn Thanh Trang đã được thành lập theo Quyết định số 258/QĐ-VKTTVBĐKH, ngày 9 tháng 11 năm 2022 của Viện Trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu với 7 thành viên gồm: GS. TS. Trần Thục (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Chủ tịch Hội đồng; TS. Nguyễn Xuân Hiển (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên Thư ký; PGS. TS. Nguyễn Bá Thủy (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) là Ủy viên phản biện 1; PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên phản biện 2; PGS. TS. Nguyễn Thanh Hùng (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) là Ủy viên phản biện 3; PGS. TS. Doãn Hà Phong (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) và TS. Nguyễn Kim Cương (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) là Ủy viên.

Dưới sự chủ trì của GS. TS. Trần Thục, các thành viên trong Hội đồng đã nghe NCS. Nguyễn Thanh Trang trình bày tóm tắt các nội dung của luận án.

NCS. Nguyễn Thanh Trang trình bày trước Hội đồng

Trong đó, luận án được xác định 2 mục tiêu chính là thiết lập và ứng dụng được mô hình ROMS với kỹ thuật đồng hóa dữ liệu dòng chảy quan trắc từ Radar biển trong mô phỏng dòng chảy tại khu vực vịnh Bắc Bộ và phân tích, đánh giá được đặc điểm của trường dòng chảy theo không gian và thời gian cho khu vực vịnh Bắc Bộ từ số liệu tái phân tích là kết quả của mô hình số trị sau khi đã sử dụng kỹ thuật đồng hóa dữ liệu.

NCS. Nguyễn Thanh Trang lựa chọn đối tượng nghiên cứu là trường dòng chảy theo không gian và thời gian tại khu vực vịnh Bắc Bộ. Qua quá trình nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật đồng hóa dữ liệu để đồng hóa dữ liệu Radar biển vào mô hình ROMS để mô phỏng và phân tích trường dòng chảy tại khu vực Vịnh Bắc Bộ, luận án đã lựa chọn, thiết lập và ứng dụng phương pháp R4D-Var kết hợp với mô hình ROMS. Các số liệu đưa vào đồng hóa là dữ liệu quan trắc dòng chảy tầng mặt từ hệ thống radar biển, ngoài ra có bổ sung thêm số liệu nhiệt độ vào mực nước quan trắc từ vệ tinh. Các tham số trong sơ đồ đồng hóa được lựa chọn để phù hợp với nguồn dữ liệu đầu vào, yêu cầu của bài toán cũng như năng lực máy tính hiện có. Mô hình ROMS sau khi sử dụng kỹ thuật đồng hóa dữ liệu đã làm tăng độ chính xác trong mô phỏng dòng chảy bề mặt biển tại khu vực vịnh Bắc Bộ, các chỉ số BIAS (phổ biến nhỏ hơn 0,05 m/s) và RMSE (phổ biến từ 0,1 đến 0,15 m/s) giữa kết quả tính toán và thực đo giảm đi rõ rệt trong khi hệ số tương quan giữa chúng lại tăng lên đáng kể (phổ biến > 0.7), có sự tương đồng cao giữa vận tốc dòng chảy mô phỏng với dòng chảy quan trắc từ Radar biển.

Toàn cảnh buổi đánh giá

Tại tầng mặt, khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng luôn tồn tại hệ thống dòng chảy ven bờ. Trong các tháng mùa đông, quy mô hệ thống này có thể mở rộng tới khu vực ven biển Hải Phòng, vận tốc dòng chảy tại khu vực này có thể đạt khoảng 0,6 m/s. Trong các tháng còn lại, quy mô hệ thống này bị thu hẹp và chỉ còn thể hiện rõ từ khu vực ven biển từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, vận tốc dòng chảy cũng giảm đáng kể và nhỏ nhất trong các tháng mùa hè chỉ còn khoảng 0,3 m/s. Khu vực cửa vịnh Bắc Bộ luôn tồn tại một xoáy nghịch, tâm của xoáy nghịch này trong các tháng gió mùa đông bắc bị đẩy lùi vào sâu khu vực nửa phía nam vịnh và có quy mô nhỏ (khoảng 150 km) với vận tốc khoảng 0,3 m/s. Trong các tháng gió mùa tây nam, tâm của xoáy nghịch này bị đẩy ra bên ngoài cửa vịnh và có quy mô lớn hơn (khoảng 250 km) và vận tốc lớn hơn (khoảng 0,35 m/s). Khu vực giữa vịnh Bắc Bộ tồn tại một xoáy thuận, hoạt động của xoáy thuận này cũng thay đổi theo các mùa gió trong năm. Trong gió mùa đông bắc, xoáy thuận này có quy mô lớn, đường kính khoảng 200 – 250 km, vận tốc dòng chảy khoảng 0,3 m/s. Trong gió mùa tây nam, quy mô của xoáy thuận này giảm mạnh, đường kính khoảng 150 km và tâm của xoáy thuận có xu thể dịch chuyển lên phía bắc vịnh Bắc Bộ.

Tại các tầng sâu hơn, hệ thống dòng chảy ven biển tồn tại trong mùa đông tại hầu hết các tầng sâu nhưng với vận tốc giảm dần theo độ sâu. Tuy nhiên, trong các tháng còn lại, theo độ sâu, hệ thống này suy yếu và biến mất từ độ sâu trên 30 mét. Các hệ thống xoáy nghịch tại cửa vịnh và tại khu vực giữa vịnh Bắc Bộ vẫn tồn tại nhưng quy mô bị thu hẹp và vận tốc dòng chảy giảm dần theo độ sâu.

Sau phần trình bày của NCS. Nguyễn Thanh Trang, các thầy cô trong Hội đồng đã lần lượt đọc ý kiến phản biện. Kết thúc phiên họp kín, các thành viên Hội đồng đánh giá NCS. Nguyễn Thanh Trang đủ tiêu chuẩn đạt trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, NCS. cần sửa chữa và hoàn thiện Luận án theo Quyết nghị của Hội đồng trước khi nộp cho Thư viện Quốc gia.

Một số hình ảnh của buổi chấm luận án tiến sĩ của NCS. Nguyễn Thanh Trang:

 PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, đại diện cơ sở đào tạo phát biểu và tặng hoa NCS

Đại diện cơ quan công tác phát biểu, tặng hoa cho NCS

Giáo viên hướng dẫn nhận xét và nhận hoa từ NCS

Các thầy trong Hội đồng chụp ảnh cùng NCS

NCS phát biểu tại buổi họp.

Trả lời