Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ do TS. Nguyễn Đăng Mậu làm chủ nhiệm

Đề tài cấp Bộ do TS. Nguyễn Đăng Mậu làm chủ nhiệm đã đạt được kết quả vượt trội với số lượng bài báo quốc tế và trong nước cao hơn số lượng đăng ký trước đó.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà chủ trì buổi nghiệm thu

Sáng ngày 22/11, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài NCKH cấp Bộ “Nghiên cứu hoạt động của tín phong (Trade wind) và ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu ở Việt Nam”, Mã số: TNMT.2020.562.05, do TS. Nguyễn Đăng Mậu làm chủ nhiệm.

Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Chủ tịch Hội đồng), các thành viên đã nghe TS. Nguyễn Đăng Mậu trình bày tóm tắt các nội dung của đề tài.

Theo TS. Nguyễn Đăng Mậu, mặc dù những nghiên cứu về tín phong tương đối phong phú trên thế giới, tuy nhiên các nghiên cứu sử dụng trực tiếp gió Đông Bắc (NE) và Đông Nam (SE) để chỉ thị tín phong, điều này không thật sự đúng cho 1 số khu vực như Việt Nam. Thực tế, các nghiên cứu về tác động của tín phong tới thời tiết và khí hậu ở Việt Nam còn tương đối hạn chế. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam chủ yếu dưới dạng hình vẽ phác họa, đúc kết từ kinh nghiệm của dự báo viên và nghiên cứu viên, chưa dựa trên những phân tích số liệu cụ thể.

Nguyễn Đăng Mậu trình bày nội dung đề tài

Thêm vào đó, đặc trưng hoàn lưu khu vực Việt Nam phức tạp, có sự giao tranh của nhiều hệ thống hoàn lưu, dẫn đến khó khăn trong việc phân tích tín phong. Công trình của PGS. TS. Phạm Vũ Anh (2003) là nghiên cứu ít ỏi dựa trên phân tích định lượng tín phong. Tuy nhiên nghiên cứu này gặp khó khan trong việc tách tín phong khỏi các hệ thống hoàn lưu khác.

Chính vì vậy, đòi hỏi có những phương pháp phân tích tín phong khách quan hơn và nhóm nghiên cứu đã quyết định lựa chọn đề tài “Nghiên cứu hoạt động của tín phong (Trade wind) và ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu ở Việt Nam”.

Trong nghiên cứu của mình, TS. Nguyễn Đăng Mậu và cộng sự đã sử dụng số liệu nghiên cứu gồm: Số liệu quan trắc ngày các yếu tố khí tượng tại 70 trạm/7 vùng khí hậu; số liệu tái phân tích ERA5; số liệu mưa vệ tinh: PERSIANN và số liệu phát xạ song dài: OLR.

Trải qua hai năm triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài cho biết, hoạt động của tín phong Tây Bắc Thái Bình Dương (TBD) được thể hiện thông qua các đặc trưng: Phân bố theo không gian, thời gian, cấu trúc thẳng đứng. Chỉ số tín phong được đề xuất: TWI = U850hPa (10oN – 25oN; 150oE – 180oE)  có thể được sử dụng làm chỉ số minh họa cho hoạt động của tín phong.

Tín phong hoạt động mạnh nhất vào tháng 11-tháng 12 và tháng 3-tháng 7; yếu nhất vào tháng 8-tháng 9. Trong chu kỳ 1 năm, liên quan đến cấu trúc thẳng đứng của tín phong là sự thu hẹp hay mở rộng của tín phong ở các mực khác nhau, gắn với hoạt động của ACCNĐ Bắc TBD.

Ở quy mô nội mùa, tín phong cho thấy các dao động mạnh với chu kỳ khoảng 10-20-ngày và 30-60-ngày. Ở quy mô mùa, tín phong có cường độ mạnh trong các tháng mùa đông, sau đó giảm mạnh trong mùa thu, có giá trị thấp vào mùa hè và tăng ngược trở lại trong mùa thu. Sau đó cường tín phong giảm nhẹ nhưng lại tăng ngược trở lại trong mùa đông.

Trong những năm tín phong hoạt động mạnh, số đợt mưa lớn và số xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) có xu thế gia tăng. Trong những năm tín phong yếu, số đợt/ngày nắng nóng và không khí lạnh có xu thế giảm.

ENSO cũng được coi là nhân tố chính tác động tới sự biến đổi giữa các năm của gió mùa mùa hè Châu Á. Do đó, giữa hệ thống hoàn lưu tín phong và gió mùa mùa hè có sự tương tác với nhau và SST tại TBD.

Tín phong đóng vai trò là dòng nền dẫn động các nhiễu động nhiệt đới di chuyển trực tiếp vào trung bộ gây mưa lớn. Đối với nắng nóng, sự mở rộng của ACCNĐ sang phía đông trong các tháng 2-4 là nguyên nhân chính dẫn đến nắng nóng ở Nam Bộ. Tín phong càng mạnh sẽ làm tăng lượng mưa ở Trung Bộ và Nam Bộ tuy nhiên sẽ làm giảm lượng mưa ở Bắc Bộ. Đối với nhiệt độ, tín phong càng mạnh thường có xu thế làm tăng nhiệt độ ở hầu hết các khu vực, ngoại trừ tháng 6, 8 và 11. Đối với gió, Tín phong càng mạnh thì sẽ tốc độ gió sẽ tăng ở khu vực ven biển phía đông nhưng sẽ giảm ở khu vực vùng núi phía tây.

Gió mùa mùa hè Châu Á và tín phong Tây Bắc TBD có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong những năm El Nino, sự ấm lên của SST dẫn đến sự yếu đi của hoàn lưu tín phong và dẫn đến sự dịch chuyển của đối lưu sâu từ Tây TBD sang phía đông. Sự yếu đi của đối lưu khu vực Tây TBD lại là nguyên nhân làm suy yếu hoàn lưu gió mùa mùa hè Châu Á.

Trong mùa thu, gió tín phong Tây Bắc TBD phát triển rất mạnh và thổi trực tiếp vào dãy Trường Sơn. Dãy Trường Sơn đóng vai trò như bức tường chắn chặn các dòng mực thấp và gây dòng thăng do địa hình. Các dòng thăng này là điều kiện thuận lợi để hình thành mưa lớn ở trung bộ.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Trình bày về sản phẩm của đề tài, TS. Nguyễn Đăng Mậu cho biết, nhóm nghiên cứu đã công bố 1 bài báo quốc tế và 1 bài đang sửa theo ý kiến phản biện (vượt số lượng đăng ký 1 bài). Số bài báo trong nước cũng đạt 4 bài và vượt 01 bài so với đăng ký ban đầu. Đề tài hộ trợ đào tạo thành công cho một thạc sĩ và đã có bằng tốt nghiệp.

Sau phần trình bày của TS. Nguyễn Đăng Mậu, các thành viên Hội đồng đã đưa ra ý kiến nhận xét. Đề tài được các chuyên gia đánh giá hoàn thành và được đồng ý chuyển lên bảo vệ cấp Bộ trong thời gian sắp tới.

Trả lời