Hội thảo đã nghe trình bày về phương pháp tính toán rủi ro do lũ, ngập và trao đổi nội dung phối hợp kết nối mô phỏng lũ và ngập các lưu vực sông thuộc dự án phân vùng rủi ro thiên tai (RRTT) và lập bản đồ cảnh báo lũ, ngập lụt.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà chủ trì Hội thảo
Chiều ngày 5/9, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội thảo Phương pháp tính toán rủi ro do lũ và ngập lụt với sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe TS. Lương Hữu Dũng (Giám đốc Trung tâm Thủy văn – Hải văn) trình bày về các nội dung của dự án. Trong đó, mục tiêu của dự án là đánh giá được mức độ rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt tại các tỉnh/thành phố và lưu vực sông trên toàn lãnh thổ Việt Nam; xây dựng bản đồ phân vùng RRTT do lũ và ngập lụt; đồng thời, xây dựng phần mềm cảnh báo RRTT do lũ và ngập lụt nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội ở các lưu vực sông của việt Nam. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu gồm các vùng, hạ lưu của 20 sông chính, lớn thuộc 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 5 thành phố trực thuộc trung ương.
TS. Lương Hữu Dũng trình bày về các nội dung của dự án
Để thực hiện dự án, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu được giao phối hợp với các đơn vị như: Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Các Sở ban ngành liên quan để thu thập số liệu cơ bản về lũ, ngập lụt, số liệu địa hình và các yếu tố liên quan; phân tích, lựa chọn phương pháp tính toán rủi ro do lũ, ngập lụt tại các địa phương và lưu vực sông; điều tra, đánh giá phục vụ xác định tính dễ bị tổn thương đối với dân cư, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; phân tích rủi ro do lũ, ngập lụt tại các lưu vực sông, nhất là tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung; lập bản đồ cảnh báo thiên tai và bản đồ phân vùng rủi ro do lũ, ngập lụt cho các tỉnh, thành phố. Từ đó, đề xuất giải pháp phòng, chống thiên tai và ứng phó với lũ, ngập lụt; tổ chức các hội thảo tập huấn chuyển giao kết quả dự án.
Theo TS. Lương Hữu Dũng, thực hiện quy chế quản lý của Bộ, trong năm 2021 Viện đã thực hiện niên độ cấp cơ sở các nội dung đã phối hợp thực hiện với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc trung Bộ và nghiệm thu niên độ cấp Bộ vào tháng 12/2021. Để hoàn thiện dự án trong năm 2023 theo phệ duyệt của Bộ, từ đầu năm 2022 Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã đề nghị, phối hợp thực hiện tất cả các nội dung mô hình toán thuộc nội dung Tổng cục Khí tượng Thủy văn thực hiện cần phải hoàn thành trong năm 2022.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đưa ra ý kiến trao đổi về các vấn đề còn vướng mắc và đưa ra phương hướng thực hiện dự án trong thời gian tới đảm bảo chất lượng và đúng thời gian quy định.
Trước đó, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ ngập lụt theo Quyết định số 3084/QĐ-BTNMT, ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các sản phẩm dự kiến của dự án gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu; bộ bản đồ phân vùng RRTT lũ, ngập lụt tỷ lệ 1:10.000; phần mềm cảnh báo RRTT do lũ và ngập lụt phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai của địa phương; các bộ bản đồ; báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt.