Hội thảo tham vấn về lộ trình kết hợp giảm nhẹ và thích ứng

Sáng ngày 30/7 tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) với sự hỗ trợ của Viện Chiến lược Môi trường Toàn Cầu Nhật Bản (IGES) đã tổ chức “Hội thảo tham vấn về lộ trình dài hạn kết hợp giảm nhẹ và thích ứng”.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Ngọc Cầu (Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) cho biết, biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu và có ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với trên 3.000 km bờ biển, nhiều thành phố và lưu vực sông ở địa hình thấp, Việt Nam được xem là một trong các nước dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu nhất trên thế giới.

Trong Báo cáo đánh giá lần thứ 5 và thứ 6 của Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), khái niệm về lộ trình xây dựng chống chịu với khí hậu (CRDP) đã được nhấn mạnh, trong đó đề cập đến phát triển bền vững kết hợp giữa thích ứng và giảm phát thải, với quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng không là điều kiện cần thiết. 

TS. Lê Ngọc Cầu phát biểu tại hội thảo

Với sự tham gia của đông đảo chuyên gia đến từ các cơ quan, ban ngành, viện nghiên cứu, trường Đại học và các tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực về biến đổi khí hậu, TS. Lê Ngọc Cầu mong rằng, hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến tham vấn của các quý vị đại biểu. Từ đó, có cơ sở xây dựng Hướng dẫn lộ trình dài hạn cấp quốc gia về kết hợp các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tại hội thảo, TS. Trần Thanh Thủy (Trưởng Phòng Khoa học, Đào tạo, Hợp tác quốc tế và Tạp chí) đã giới thiệu về khung hướng dẫn lộ trình dài hạn kết hợp thích ứng và giảm nhẹ. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu của dự án là xây dựng được Hướng dẫn cho lộ trình dài hạn quốc gia nhằm kết hợp giữa thích ứng và giảm nhẹ thông qua đánh giá quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0 và tác động đối với khả năng chống chịu.

TS. Trần Thanh Thủy giới thiệu về dự án

Theo báo cáo về kết quả khảo sát lộ trình dài hạn kết hợp giảm nhẹ và thích ứng do Thạc sĩ Lê Ánh Ngọc (Viện KTTVBĐKH) trình bày, các chuyên gia được khảo sát khi đánh giá về tầm nhìn phát triển dài hạn và mục tiêu khí hậu đều khẳng định: Các hệ thống rừng và năng lượng net-zero cần được thiết kế để tăng cường sự kết hợp và cần được xem xét trong Lộ trình dài hạn quốc gia.

Thạc sĩ Lê Ánh Ngọc báo cáo tại hội thảo

Lộ trình giảm nhẹ với sự phát triển năng lượng và giảm năng lượng điện than cũng được xác định cụ thể. Trong đó, quá trình chuyển đổi năng lượng net zero cần có sự cân bằng giữa việc cải tạo để phát thải thấp hơn và việc loại bỏ sớm điện than thông qua xem xét năng lượng sinh khối, tính khả thi về công nghệ, tính kinh tế của nhà máy và chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Năng lượng tái tạo cũng cần được coi là phương án khả thi.

Việc kết hợp thích ứng với lộ trình giảm phát thải hướng đến net-zero được đánh giá là rất cần thiết. Để cập nhật lộ trình kết hợp giảm nhẹ và thích ứng, các rào cản về chính sách và thể chế có thể là ưu tiên hàng đầu.

Các đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo

Cũng tại hội thảo, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về chuyển đổi chính sách, quá trình loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, giải pháp gì để tránh “thích ứng ngược”, những thách thức chính đối với sự kết hợp giảm nhẹ và thích ứng trong kế hoạch phát triển và sử dụng đất quốc gia… đã được đưa ra.

Toàn cảnh hội thảo

Có thể thấy, hội thảo tham vấn về lộ trình kết hợp giảm nhẹ và thích ứng ngoài mục tiêu phục vụ dự án thì còn là cơ hội cho các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.