Nghiên cứu hoạt động của tín phong (Trade wind) và ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu ở Việt Nam

Chiều ngày 9/11, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) đã tổ chức Hội thảo trước nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ do TS. Nguyễn Đăng Mậu làm chủ nhiệm với đề tài: “Nghiên cứu hoạt động của tín phong (Trade wind) và ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu ở Việt Nam”.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà chủ trì Hội thảo

Buổi hội thảo diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH với sự tham dự của nhóm thực hiện đề tài, các chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại hội thảo TS. Nguyễn Đăng Mậu đã trình bày tóm tắt đề tài với các nội dung: Tổng quan vấn đề nghiên cứu; Số liệu và phương pháp nghiên cứu; Đề xuất chỉ số tín phong; Quy luật hoạt động của tín phong; Hệ quả khí hậu của tín phong; Tương tác tín phong với các hình thế thời tiết.

Trong đó, đề tài xác định mục tiêu nghiên cứu trọng tâm là xác định được quy luật hoạt động của tín phong khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương; Làm rõ được ảnh hưởng của tín phong đến thời tiết, khí hậu ở Việt Nam.

Nguyễn Đăng Mậu đại diện nhóm thực hiện trình bày các nội dung của đề tài

Trải qua hai năm triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu và các sản phẩm chính theo đăng ký.

Theo chủ nhiệm đề tài kết luận, hoạt động của tín phong Tây Bắc Thái Bình Dương được thể hiện thông qua các đặc trưng: Phân bố theo không gian, thời gian, cấu trúc thẳng đứng. Chỉ số tín phong được đề xuất: TWI = 160oE – 140oW, 10oN – 25oN.

Tín phong là một trong những nhân tố tác động đến thời tiết và khí hậu Việt Nam. Cụ thể, tín phong có tương quan dương với mưa ở Bắc Bộ vào mùa xuân; tương quan âm với mưa ở các vùng khác. Tín phong có tương quan tương đối yếu với nhiệt độ và cực đoan nhiệt độ; tương quan âm ở hầu hết cả nước.

Tại Việt Nam, tín phong có tương quan dương với trường gió ở đất liền. Loại gió này hoạt động mạnh đóng vai trò như trường nền tăng cường nhiễu động. Đồng thời, nó có tương quan tốt với biên độ sóng 6-10 ngày trong các tháng mùa mưa bão.

Toàn cảnh Hội thảo

Sau phần trình bày của TS. Nguyễn Đăng Mậu, các chuyên gia đã có nhiều thảo luận về kết quả nghiên cứu của đề tài.  Nhóm thực hiện đề tài đã có những giải trình, tiếp thu ý kiến của chuyên gia và tiếp tục hoàn thiện đề tài đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thuyết minh đề cương đã được phê duyệt.

Để lại một bình luận