Tập huấn và nghiên cứu thực tế mô hình chuyển đổi số (CDS) trong quản lý rủi ro thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa

Hội thảo Tập huấn và nghiên cứu thực tế mô hình chuyển đổi số (CDS) trong quản lý rủi ro thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu nhằm nâng cao năng lực, sự tham gia và đóng góp của các thành viên Nhóm công tác về Biến đổi khí hậu của tổ chức phi chính phủ (CCWG) trong hỗ trợ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp tỉnh, cấp quốc gia, được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Viện KTTVBĐKH) phối hợp với Viện Friedrich Ebert Stiftung tại Việt Nam (FES Việt Nam) tổ chức tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong 02 ngày 08 và 09/7/2024.

TS Lê Ngọc Cầu – Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH – Phát biểu khai mạc hội thảo

Đến tham dự hội thảo có ông Phạm Văn Hoành – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa; ông Vũ Ngọc Dương – Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thanh Hóa; cùng đại diện các Sở/ngành, đại diện UBND huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa; …

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lê Ngọc Cầu (Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) – Chủ trì hội thảo cho biết: chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu và là cơ hội để các quốc gia thu hút các nguồn lực mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững và thực hiện mục tiêu cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra công văn số 180/BTNMT-KHTC ngày 12 tháng 01 năm 2018 về việc hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020. Việc xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể ở cấp địa phương là vô cùng cần thiết trong việc kịp thời nắm bắt thông tin, bám sát nhiệm vụ quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thực hiện một cách có hiệu quả nhất.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển. Phát triển năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than, thoát ly dần nguồn năng lượng hoá thạch khác như dầu và khí đốt được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nguồn tài chính quốc tế sẽ sớm chuyển dịch từ đầu tư phát triển điện than sang phát triển năng lượng tái tạo đồng thời với việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, duy trì và phát triển rừng, bảo vệ các hệ sinh thái.

Hội thảo là cơ hội để tăng cường nhận thức và cập nhật thông tin về các chính sách quản lý rủi ro hiện tại, cùng với thông tin về những công nghệ, giải pháp và sáng kiến tài chính tiềm năng, nhằm hỗ trợ địa phương trong quá trình chuyển đổi xanh. Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ là nguồn tài liệu quý báu cho việc xây dựng chính sách và thực hiện các biện pháp cụ thể trong quá trình chuyển đổi xanh của đất nước. Bên cạnh đó thông qua hội thảo đại diện các bên sẽ xây dựng sự gắn kết, mang lại nhiều giá trị tích cực, giúp cho các đơn vị, tổ chức và các chuyên gia có thêm kiến thức trong việc xác định được các vấn đề trong xây dựng mô hình sinh kế của người dân tại địa phương, học hỏi từ các giải pháp thực tiễn hiện có. Ngoài ra, hội thảo còn là dịp để thảo luận về việc nhân rộng các giải pháp hiện tại cũng như các giải pháp sinh kế mới cho người dân tại tỉnh Thanh Hóa.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn triển khai xây dựng mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai ảnh hưởng của BĐKH và tiến trình thực hiện chính sách thích ứng với BĐKH cấp quốc gia và cấp địa phương.

Bà Phùng Thị Thu Trang tròm bày tại hội thảo

Tham dự hội thảo, bà Phùng Thị Thu Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường – Viện KTTVBĐKH có bài trình bày về: Tiến trình thực hiện chính sách thích ứng với BĐKH cấp quốc gia, cấp địa phương; định hướng ứng phó với BĐKH, tăng trưởng xanh và đề xuất các hoạt động ứng phó BĐKH từ NGOs. Qua đó, đã làm rõ tiến trình thực hiện các chính sách thích ứng với BĐKH cấp quốc gia, cấp địa phương của tỉnh Thanh Hóa cũng như các khó khăn thách thức của tỉnh trong việc triển khai thực hiện tiến trình, đặc biết là các khó khăn, thách thức về nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao và sự đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Diễn giả cũng đã làm rõ Định hướng ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2026 – 2030 của tỉnh và đề xuất một số hoạt động hợp tác ứng phó của tỉnh với các tổ chức NGOs.

PGS.TS Ngô Trọng Thuận chia sẻ tại hội thảo

PGS.TS Ngô Trọng Thuận – Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi toàn cầu và Phát triển bền vững đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế triển khai và các mô hình thích ứng với BĐKH tại tỉnh Thanh Hóa; các khó khăn thách thức trong vấn để chuyển đổi số trong nông nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm thành công từ mô hình quản lý rừng bền vững FSC tại Thanh Hóa.

Ông Cao Phan Việt chia sẻ tại hội thảo

Ông Cao Phan Việt – Quản lý Dự án Chuyển đổi số để thích ứng (DFR) – thành viên của tổ chức World Vision International (WVI) đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện: Dự án Chuyển đổi số để thích ứng; với các vấn đề về Thực trạng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai; cũng như các mục tiêu của dự án và những ưu tiên của dự án trong thời gian tới như: Vận động sự tham gia/đóng góp của các bên trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ Chuyển đổi số, phối hợp với chính quyền và các cơ quan chuyên môn VNPT và Phòng VHTT huyện Như Xuân tạo được Website liên kết với Website chính thống của huyện để cập nhật những thông tin thời tiết, cảnh báo, trao đổi chia sẻ các thông tin về thị trường và sản xuất nông nghiệp, đào tạo và phát triển các nhóm sản xuất về thương mại điện tử, các ứng dụng bán hàng và theo dõi quy trình sản xuất, quản lý dữ liệu để tăng quy mô, chất lượng sản phẩm và cạnh tranh được trên thị trường …

Một số hình ảnh toàn cảnh hội thảo.