Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, 2015

GIỚI THIỆU:
 

Việt Nam đã rất nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), thể hiện qua các chính sách quốc gia và các hoạt động cụ thể đã và đang được triển khai trong suốt thập kỷ qua về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và thích ứng với BĐKH thực hiện chủyếu từ nguồn vốn ngân sách. Việt Nam ủng hộ một thỏa thuận pháp lý với sự tham gia của tất cả các Bên thành viên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), sau đây gọi tắt là Công ước Khí hậu, nhằm giữ mức tăng nhiệt độ khí quyển trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ ở mức dưới 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Việt Nam đã ký Công ước Khí hậu năm 1992, phê chuẩn năm 1994; đã ký Nghị định thư Kyoto năm 1998 và phê chuẩn năm 2002; đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện Công ước Khí hậu và Nghị định thư Kyoto; đã gửi Ban thư ký Công ước Khí hậu Thông báo quốc gia lần thứ nhất (2003), Thông báo quốc gia lần thứ hai (2010), Báo cáo Cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất (2014), phản ánh những nỗ lực mới nhất về ứng phó với BĐKH và kiểm kê KNK.

Năm 2008, Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (NTP-RCC) nhằm đánh giá tác động của BĐKH và xây dựng giải pháp thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK. Vấn đề BĐKH đã được lồng ghép vào Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội quốc gia (2011-2020), Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (2011-2015), chính sách giảm nhẹ rủi ro thiên tai, quản lý vùng bờ, cung cấp và sử dụng năng lượng. Các ngành và các địa phương đã xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH.

Năm 2011, Chiến lược quốc gia về BĐKH đã được ban hành, xác định mục tiêu cho các giai đoạn 2011-2015, 2016-2050 và các dự án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2011-2015. Chiến lược đã xác định ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn; ứng phó với BĐKH phải gắn liền với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, tận dụng các cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế quốc gia; tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK.

Năm 2012, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt, xác định mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK và các giải pháp để thực hiện; ban hành quy định về liên kết tới các thị trường các-bon quốc tế. Năm 2013, Luật Phòng, Chống thiên tai được ban hành nhằm giải quyết các hiểm họa tự nhiên có tác động đến đất nước, trong đó chủ yếu là những hiểm họa do BĐKH. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 bao gồm một chương đầy đủ về BĐKH. Việc xây dựng và thực hiện những chủ trương, chính sách, hoạt động ứng phó với BĐKH nêu trên chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước.

INDC của Việt Nam gồm hợp phần giảm nhẹ phát thải KNK và hợp phần thích ứng với BĐKH. Hợp phần giảm nhẹ phát thải KNK bao gồm các đóng góp vô điều kiện và đóng góp có điều kiện. Các đóng góp vô điều kiện là các hoạt động sẽ được thực hiện bằng nguồn lực trong nước, trong khi đó các đóng góp có điều kiện là những hoạt động có thể được thực hiện nếu nhận được nguồn hỗ trợ tài chính mới và bổ sung, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực từ quốc tế.

INDC của Việt Nam xác định lộ trình giảm nhẹ phát thải KNK trong giai đoạn 2021 – 2030. Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải KNK so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU). Đóng góp nêu trên có thể tăng lên thành 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế.

Hợp phần thích ứng với BĐKH trình bày các hoạt động thích ứng với BĐKH hiện tại đang được thực hiện; những thiếu hụt so với nhu cầu thích ứng về thể chế, chính sách, tài chính, nguồn nhân lực và công nghệ; và các biện pháp thích ứng ưu tiên cho giai đoạn 2021-2030. Ước tính rằng ngân sách quốc gia có thể đóng góp khoảng một phần ba nhu cầu tài chính để thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH giai đoạn này và sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và đầu tư tư nhân đối với phần còn lại.

Các Bộ, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp cũng như các đối tác phát triển quốc tế đã tham gia và có những đóng góp chi tiết trong quá trình xây dựng và hoàn thiện INDC.

Thông qua INDC, Việt Nam tái khẳng định đóng góp của quốc gia nhằm ứng phó với BĐKH, góp phần thực hiện mục tiêu của Công ước Khí hậu. Việt Nam tin rằng đóng góp này là công bằng, thể hiện nỗ lực cao nhất, khả thi, có thể đạt được và cam kết tiếp tục giải quyết vấn đề BĐKH dựa trên các nguồn lực trong nước và với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

 

 Báo cáo toàn văn theo đường link sau:/files/doc/2015.11.20_INDC Short Report_VN.pdf
 

Trả lời