Hội thảo Khoa học luận án tiến sĩ lần 2 của NCS. Đào Hương Giang

Tại Hội thảo, nghiên cứu sinh (NCS) Đào Hương Giang đã trình bày những nội dung của Luận án và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thầy cô.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch và đảm bảo tiến độ tốt nghiệp của NCS không bị gián đoạn, Hội thảo khoa học lần 2 của NCS. Đào Hương Giang đã được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp sáng ngày 11 tháng 2 năm 2022.

 

Các chuyên gia tham dự Hội thảo qua hình thức trực tuyến

Hội thảo của NCS. Đào Hương Giang với đề tài luận án: “Nghiên cứu lượng giá tổn thất kinh tế do suy thoái hệ sinh thái vùng biển đảo Phú Quốc dưới tác động của biến đổi khí hậu”, ngành: Biến đổi khí hậu; Mã số: 9440221 diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh với sự tham gia của các chuyên gia về lĩnh vực biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại Hội thảo, NCS. Đào Hương Giang đã trình bày những nội dung của Luận án. Nhấn mạnh về tính cấp thiết của việc lựa chọn đề tài, NCS cho hay, Phú Quốc là một đảo lớn nằm ở biển Tây Nam Bộ. Vùng biển đảo Phú Quốc nhạy cảm về an ninh quốc phòng và giàu tiềm năng phát triển kinh tế. Khu vực này diễn ra các hoạt động mạnh mẽ về kinh tế, giao thông vận tải, đánh bắt hải sản, du lịch và những hoạt động kinh tế khác. Đặc biệt theo Nghị quyết số 103/NQ – CP ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Chính Phủ về việc xây dựng các Đặc khu kinh tế của Việt Nam, thì Phú Quốc là một trong ba vùng Đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam.

 

NCS. Đào Hương Giang trình bày luận án

Tuy nhiên, vùng biển đảo Phú Quốc cũng là khu vực tiềm ẩn nhiều tai biến thiên nhiên như: Biến đổi khí hậu (BĐKH) gây bão, lụt, nước biển dâng (NBD), xâm nhập mặn; động đất, động đất – sóng thần, bồi tụ – xói lở, … trong đó BĐKH, NBD đang là vấn đề nóng được quan tâm trên toàn cầu. Những diễn biến phức tạp của BĐKH không chỉ gây ra những dị thường về thời tiết, tác động đến nhiều mặt của đời sống con người, mà còn tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái trên đảo và vùng biển ven đảo.

Phú Quốc có độ đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái (HST) đặc trưng như rừng trên đảo, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô. BĐKH, NBD làm giảm diện tích, độ che phủ cũng như vai trò và chức năng của các hệ sinh thái. Hiện tượng El-Nino có chiều hướng gia tăng cả về tần suất và cường độ đã làm nhiệt độ nước biển tăng cao, cùng bức xạ mặt trời vượt khả năng chịu đựng của san hô khiến san hô bị tẩy trắng. Sự ra tăng nhiệt độ sẽ kích thích và thúc đẩy sự sinh trưởng mạnh các loài tảo và thực vật phù du làm che phủ mặt nước, tăng độ đục và làm giảm ánh sáng xâm nhập xuống nền đáy đồng thời làm giảm sự quang hợp của cỏ biển, gây bất lợi cho sự phát triển của cỏ biển. BĐKH còn làm tăng chiều hướng axit hóa đại dương và các cơn bão nhiệt đới, dẫn tới sự tàn phá các rạn san hô, thảm cỏ biển. Khi nước biển dâng, độ mặn nước trong rừng ngập mặn có thể vượt quá 25% dẫn tới một số loài sinh vật trong rừng ngập mặn sẽ bị tuyệt chủng. Nếu lượng lắng đọng bùn cát tại khu vực rừng ngập mặn không vượt quá mức nước biển dâng, thời gian ngập rễ của cây gia tăng sẽ khiến một số loại cây không chịu ngập được dài ngày bị chết.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Bên cạnh đó, sự gia tăng trường sóng sát rừng ngập mặn do mực nước biển dâng tạo ra sóng lớn đánh thẳng vào rừng gây xói lở bãi, làm suy thoái hoặc biến mất rừng.

Các hệ sinh thái này không chỉ có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu mà còn mang lại nhiều giá trị, lợi ích to lớn về kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, khi các HST tiêu biểu biển đảo Phú Quốc bị suy thoái trong bối cảnh BĐKH sẽ gây ra những tổn thất đáng kể về giá trị kinh tế mà các HST đó mang lại, nhất là đối với Phú Quốc là một huyện đảo và cũng là một đặc khu hành chính – kinh tế. Vì vậy, để có thể lượng giá được thiệt hại kinh tế do suy thoái hệ sinh thái điển hình biển đảo Phú Quốc trong bối cảnh BĐKH thì việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu lượng giá tổn thất kinh tế do suy thoái hệ sinh thái vùng biển đảo Phú Quốc dưới tác động của biến đổi khí hậu”, là hết sức cần thiết.

Nghiên cứu của NCS. Đào Hương Giang được đánh giá có ý nghĩa lớn, chỉ tính riêng trong thực tiễn thì Luận án đã đánh giá được hiện trạng, dự báo được mức độ suy thoái các HST rừng trên đảo, rừng ngập mặn, san hô, cỏ biển theo kịch bản BĐKH; lượng giá được thiệt hại kinh tế do suy thoái HST trên trong điều kiện BĐKH, NBD, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm làm giảm tổn thất kinh tế huyện đảo Phú Quốc do BĐKH.

 

Các chuyên gia cho ý kiến qua hình thức trực tuyến

Các thầy cô tham dự Hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để NCS tiếp tục hoàn thiện Luận án cho các bước tiếp theo.

Trả lời