Phát động chiến dịch “Tôi yêu thành phố” nhằm hướng tới mục tiêu thành phố xanh và giảm phát thải khí nhà kính

Ngày 19/9, tại TP. Cần Thơ, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam, Văn phòng Biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo phát động Chiến dịch truyền thông “Tôi yêu thành phố” (We Love City) hướng tới mục tiêu thành phố xanh và giảm phát thải khí nhà kính.

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng (Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu) cho biết, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang ảnh hưởng sâu sắc, làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu, mà nguyên nhân là do sự tăng quá mức khí nhà kính trong khí quyển.

Nhằm khuyến khích các thành phố xây dựng cam kết và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính góp phần thực hiện nỗ lực toàn cầu theo Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Chương trình Thành phố Xanh quốc tế – One Planet City Challenge (OPCC) đã được bắt đầu từ năm 2011. Đây là chương trình do tổ chức WWF Quốc tế khởi xướng trên quy mô toàn cầu.


Ông Dương Tấn Hiển (Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ) phát biểu tại Hội thảo


Các đại biểu tham dự trực tiếp tại Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm

Khi tham gia Chương trình, các thành phố sẽ thu được rất nhiều lợi ích như: Đưa thành phố của mình lên bản đồ Thành phố Xanh quốc tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, mở ra cơ hội phát triển du lịch. Nâng cao nhận thức người dân, cộng đồng, doanh nghiệp và các bên liên quan về BĐKH. Tăng cường sự quan tâm từ truyền thông đại chúng ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu, đến thành phố. Mở rộng cơ hội tìm kiếm tài trợ cho các dự án liên quan đến môi trường, năng lượng xanh, BĐKH… Xây dựng báo cáo Khí hậu và các-bon dựa trên cơ sở khoa học được quốc tế công nhận…


Ông Vũ Quốc Anh trình bày tại Hội thảo

Theo ông Vũ Quốc Anh (Quản lý Chương trình OPCC), “Tôi yêu thành phố” chính là một chiến dịch nằm trong khuôn khổ của Chương trình OPCC. Chiến dịch nhằm kêu gọi sự tham gia của công chúng, cung cấp một diễn đàn cho các thành phố theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, Chiến dịch là một kênh giúp thành phố kêu gọi sự ủng hộ và đóng góp của công chúng trong thực hiện mục tiêu thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH.

Theo số liệu của WWF, chỉ tính riêng năm 2021 – 2022 đã có 280 thành phố thuộc 50 quốc gia trên thế giới gửi hồ sơ tham gia Chương trình OPCC. Thành phố Cần Thơ là địa phương quan tâm và tích cực trong các công tác ứng phó với BĐKH, đã ban hành và triển khai những chính sách quan trọng về giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng hiệu quả năng lượng nhằm hướng tới việc đạt được mục tiêu chung trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược Tăng trưởng Xanh, Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Trong đó, TP. Cần Thơ của Việt Nam đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết và được lựa chọn để triển khai chiến dịch Tôi Yêu Thành Phố.


Bà Võ Nguyễn Minh Thùy trình bày tại Hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Võ Nguyễn Minh Thùy (Tư vấn viên WWF Việt Nam) cho biết, chiến dịch truyền thông WE LOVE CẦN THƠ CITY tại TP. Cần Thơ sẽ diễn ra trong 5 tuần với 5 chủ đề khác nhau. Tuần 1 – Sự chuyển dịch đô thị sẽ giới thiệu 10 lĩnh vực trọng điểm để Cần Thơ trở thành đô thị đông minh và sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng. Tuần 2 – Hệ thống thực phẩm sẽ giới thiệu chế độ ăn tốt cho con người và mô hình sản xuất nông sản chất lượng cao. Tuần 3 – Cơ sở hạ tầng sẽ giới thiệu các sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH tại Cần Thơ. Tuần 4 – Giải pháp dựa trên tự nhiên sẽ giới thiệu Các giải pháp hạ tầng xanh thích ứng ngập lụt và hình mẫu “người anh hùng” luôn hành động vì khí hậu. Tuần 5 – Rác thải và tái chế sẽ giới thiệu về những nỗ lực của TP. Cần Thơ trong giảm thiểu và loại bỏ rác thải.

Chiến dịch WE LOVE CITY trên thế giới sẽ diễn ra từ ngày 19/9 đến 31/10/2022. Người dân sẽ bỏ phiếu cho các thành phố đã lọt vào vòng chung kết của Chương trình OPCC mà họ yêu thích, đồng thời, đưa ra đề xuất nhằm cải thiện và bảo vệ môi trường thành phố.


Bà Phùng Thị Thu Trang trình bày tại Hội thảo

Trình bày tham luận tại Hội thảo, bà Phùng Thị Thu Trang (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường – Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) đã nêu ra các cam kết của Việt Nam tại COP26 như: Đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; Chấm dứt nạn phá rừng đến năm 2030; Tăng tham vọng về thích ứng và tính chống chịu với BĐKH; Chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch; Giảm khí Metan toàn cầu; Chương trình Hành động Chính sách để Chuyển đổi sang Nông nghiệp và Thực phẩm Bền vững; Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF). Đồng thời, phân tích một số thuận lợi, khó khăn và đưa ra các giải pháp ứng phó BĐKH, hướng tới mục tiêu Net zero, cụ thể cho các tỉnh/thành phố và VCCA trong thời gian tới tập trung vào 5 lĩnh vực: Năng lượng, nông nghiệp, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), chất thải, các quá trình công nghiệp (IP).


1 số đại biểu đưa ra ý kiến thảo luận tại Hội thảo

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm đẩy mạnh truyền thông đến cộng đồng những mục tiêu của Việt Nam tại COP26 cũng như kêu gọi sự hỗ trợ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ và cả nước.

Trả lời