Sáng ngày 26/9 tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) đã tổ chức hội thảo về phương pháp đánh giá độc tính của vi nhựa trong môi trường của các nhóm chuyên môn thuộc đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá sự tích tụ và tác động của vi nhựa (Microplastic) đến hệ sinh thái cửa sông ven biển Nam Trung Bộ”.
TS. Lê Ngọc Cầu phát biểu tại hội thảo
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Lê Ngọc Cầu (Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) với sự tham gia của nhóm thực hiện đề tài và các chuyên gia đến từ các cơ quan, trường, Viện nghiên cứu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã trình bày các báo cáo liên quan đến phương pháp đánh giá độc tính của vi nhựa trong môi trường. Cụ thể, mở đầu hội thảo, TS. Lưu Việt Dũng (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) đã trình bày về hiện trạng nghiên cứu vi nhựa tại một số tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam. Báo cáo này đã tổng quan chung về rác thải nhựa đại dương và vi nhựa trong môi trường biển, giới thiệu phương pháp thu thập và phân tích thành phần rác thải nhựa đại dương và đưa ra một số kết quả nghiên cứu vi nhựa trong môi trường biển tại khu vực ven biển miền Trung.
TS. Lưu Việt Dũng trình bày tại hội thảo
TS. Trần Thị Thu Hương (Trường Đại học Mỏ Địa chất) đã trình bày nghiên cứu đánh giá sự tích tụ và độc hại của vi nhựa đến giáp xác Daphnia magna. Báo cáo đã giới thiệu đặc điểm nổi bật của giáp xác Daphnia magna là rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường, dễ dàng nhận biết, kiểm soát độc tố nên được sử dụng như một sinh vật chuẩn trong đánh giá độc tố sinh thái. Từ các đặc điểm này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng phương pháp đánh giá độc tính phòng thí nghiệm của vi nhựa trên giáp xác Daphnia magna. Kết quả thử nghiệm độc tính cho thấy, vi nhựa có ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và sống sót của Daphnia magna nhưng không đáng kể.
Nghiên cứu đánh giá sự tích tụ vi nhựa trong một số sinh vật trong hệ sinh thái cửa sông ven biển Nam Trung Bộ của TS. Đặng Thị Thơm (Học viện Khoa học và Công nghệ) chỉ ra rằng, tính đến năm 2015 đã có khoảng 6.300 triệu tấn rác thải nhựa đổ thải ra môi trường. Dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 12.000 triệu tấn rác thải nhựa bị chôn vùi và xả thải trong môi trường. Theo số liệu Bộ TNMT, mỗi ngày Việt Nam thải ra khoảng 18.000 tấn rác thải nhựa. Vi nhựa được sản sinh từ các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, từ các hoạt động công nghiệp, các hoạt động xử lý chất thải… sẽ phát thải vào môi trường và xuất hiện trong các loại sinh vật: ngao, hàu, sò, vẹm, các loài cá, sinh vật phù du…. Các kết quả phân tích vi nhựa trong một số sinh vật tại sông Cái – Nha Trang và sông Hàn – Đà Nẵng bằng kỹ thuật FTIR đã cho thấy thông tin đầy đủ về mật độ, hình dạng, kích thước và các chủng loại polymers trong các mẫu sinh vật hai mảnh vỏ và một số loài cá tại các khu vực khảo sát.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Trong báo cáo nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp đánh giá độc tính vi nhựa trong môi trường, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoài (Viện KTTVBĐKH) đã tổng quan về nghiên cứu và đánh giá độc tính của vi nhựa trên thế giới cũng như ở Việt Nam, giới thiệu một số phương pháp đánh giá độc tính thường được sử dụng hiện nay.
Sau phần trình bày của nhóm thực hiện, các chuyên gia tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận về các nội dung nghiên cứu của đề tài. Trong đó, đa phần các ý kiến cho rằng nhóm nghiên cứu cần bổ sung các đánh giá về độc tính của nhựa, đưa ra đề xuất các chính sách về quản lý rác thải nhựa cho cơ quan quản lý nhà nước, bổ sung kết quả đánh giá vi nhựa trong trầm tích để tìm mối liên hệ giữa môi trường và sinh vật bị ảnh hưởng…