Tham vấn dự thảo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam phiên bản năm 2016

      Sáng 18/3/2016, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Viện KTTVBĐKH) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP tổ chức hội thảo “Tham vấn dự thảo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam”.

 

Ảnh toàn thể

 

Toàn cảnh buổi Hội thảo

      Đến tham dự Hội thảo có đông đảo các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ và các nhà khoa học trong và ngoài Viện KTTVBĐKH.

 

PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện KTTVBĐKH phát biểu khai mạc Hội thảo

      Việc xây dựng và cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng là nhiệm vụ được xác định rõ trong Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam.

      Viện KTTVBĐKH thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ xây dựng và cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam.

      Kịch bản chính thức đầu tiên được công bố vào năm 2009 và kịch bản được cập nhật vào năm 2012 đã cung cấp cơ sở khoa học cho các Bộ, ngành, địa phương làm căn cứ để đánh giá tác động của BĐKH và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó. Tuy nhiên, các kịch bản trước đây mới chỉ đánh giá cho một số yếu tố khí hậu trung bình, chưa đề cập một cách đầy đủ các hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan và một số cực trị khí hậu như: Bão và ATNĐ, nắng nóng, hạn hán, gió mùa.

      Trong thời gian qua, nhiều phương pháp và mô hình đã được nghiên cứu ứng dụng để cập nhật kịch bản BĐKH và NBD cho Việt Nam, trong đó có mô hình PRECIS, MRI-20km, NorESM, CCAM…. Việc bổ sung các công cụ tính toán kịch bản này cho phép so sánh, đánh giá và hoàn thiện các kết quả nghiên cứu trước đây, thêm nhiều lựa chọn và phương án tính toán khác nhau, giúp đánh giá được tính chưa chắc chắn của các kịch bản, từ đó cập nhật và hoàn thiện kịch bản BĐKH và NBD cho Việt Nam phục vụ đánh giá tác động và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH.

 

GS. TS. Trần Thục trình bày tại Hội thảo

      Trên cơ sở tích hợp những thành tựu mới về các phương pháp, các số liệu, các chuyên gia trong và ngoài nước. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng phiên bản năm 2015 được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa và bổ sung kịch bản công bố năm 2012. Các số liệu thực đo về khí tượng thủy văn và mực nước biển của Việt Nam được cập nhật đến năm 2014. Phương pháp mới nhất trong Báo cáo đánh giá khí hậu lần thứ 5 của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu; các mô hình khí hậu toàn cầu và các mô hình khí hậu khu vực và phương pháp thống kê đã được sử dụng để tính toán chi tiết cho khu vực Việt Nam theo phương pháp chi tiết hóa động lực kết hợp hiệu chỉnh thống kê kết quả của mô hình.

      Kịch bản biến đổi khí hậu có mức độ chi tiết đến cấp huyện, các đảo và quần đảo của Việt Nam. Kịch bản nước biển dâng có mức độ chi tiết đến cấp tỉnh, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng có mức độ chi tiết đến cấp xã. Kịch bản về một số yếu tố cực trị khí hậu cũng được cung cấp để phục vụ công tác quy hoạch.

      Một số đặc điểm chính của kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng như sau:

      – Nhiệt độ ở tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986-2005), với mức tăng lớn nhất là khu vực phía Bắc. Theo kịch bản RCP4.5, đến cuối thế kỷ 21, ở phía Bắc nhiệt độ tăng chủ yếu từ 1,9 ÷ 2,4oC và ở phía Nam từ 1,7 ÷ 1,9oC so với thời kỳ cơ sở. Nhiệt độ thấp nhất trung bình và cao nhất trung bình có xu thế tăng rõ rệt.

      – Lượng mưa trung bình năm có xu thế tăng trên phạm vi toàn quốc so với thời kỳ cơ sở ở tất cả các kịch bản. Theo kịch bản RCP4.5, đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa trung bình năm có mức tăng phổ biến từ 5 ÷ 15%. Một số tỉnh ven biển Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có thể tăng trên 20%. Lượng mưa mùa khô ở một số vùng có xu thế giảm. Lượng mưa 1 ngày lớn nhất trung bình có xu thế tăng trên toàn lãnh thổ Việt Nam với mức tăng phổ biến từ 10 ÷ 70% so với trung bình thời kỳ cơ sở.

      – Số lượng XTNĐ yếu và trung bình có xu thế giảm nhẹ hoặc ít thay đổi, nhưng XTNĐ mạnh đến rất mạnh có xu thế gia tăng.

      – Gió mùa mùa hè khu vực Đông Á trong đó có Việt Nam bắt đầu sớm hơn, ngày kết thúc muộn hơn hoặc ít thay đổi. Mưa cực đoan trong thời kỳ hoạt động của gió mùa mùa hè có khả năng tăng.

      – Số ngày rét đậm, rét hại các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đều giảm.

      – Số ngày nắng nóng (số ngày nhiệt độ cao nhất Tx ≥ 35oC) có xu thế tăng trên phần lớn diện tích cả nước, lớn nhất là ở Bắc Trung Bộ.

      – Hạn hán có thể trở nên khắc nghiệt hơn ở một số vùng do nhiệt độ tăng và khả năng giảm lượng mưa trong mùa khô.

      – Theo kịch bản RCP4.5, mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với giá trị tương ứng là 58cm (36cm ÷ 80cm) và 57cm (33cm ÷ 83cm); các khu vực Móng Cái – Hòn Dáu và Hòn Dáu – Đèo Ngang có mực nước biển dâng thấp nhất là 53cm (32cm ÷ 75cm). Theo kịch bản RCP8.5 mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với giá trị tương ứng là 78 cm (52 cm ÷ 107 cm) và 77 cm (50 cm ÷ 107 cm); các khu vực Móng Cái – Hòn Dáu, Hòn Dáu – Đèo Ngang có mực nước biển dâng thấp nhất là 72 cm (49 cm ÷ 101 cm).

      – Nếu nước biển dâng 1m, khoảng 16,05% diện tích Đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,84% diện tích Tp. Hồ Chí Minh và 4,79% diện tích Bà Rịa – Vũng Tàu có nguy cơ bị ngập. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập cao (39,40% diện tích), trong đó tỉnh Kiên Giang có nguy cơ ngập cao nhất (75% diện tích). Các đảo có nguy cơ ngập cao nhất là cụm đảo Vân Đồn, cụm đảo Côn Đảo và Phú Quốc. Nguy cơ ngập đối với những đảo tự nhiên thuộc quần đảo Trường Sa là không lớn. Cụm đảo Hoàng Sa có nguy cơ ngập lớn hơn, lớn nhất là tại cụm đảo Lưỡi Liềm và Tri Tôn.

      Những điểm mới trong kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng phiên bản năm 2015 so với phiên bản năm 2012 như sau:

      1. Cập nhật số liệu đến năm 2014, bao gồm: (i) Số liệu khí tượng thủy văn của 150 trạm quan trắc trên đất liền và hải đảo; (ii) Số liệu mực nước biển của 17 trạm hải văn ven biển và hải đảo; (iii) Số liệu mực nước biển đo đạc từ vệ tinh; (iv) Số liệu địa hình của bản đồ tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000 được đo đạc bởi các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu;

      2. Sử dụng các kết quả cập nhật nhất của các mô hình khí hậu toàn cầu (thuộc dự án “Đối chứng các mô hình khí hậu lần thứ 5” – CMIP5), bao gồm: NorESM1-M, CNRM-CM5, GFDL-CM3, HadGEM2-ES, ACCESS1-0, CCSM4, CNRM-CM5, GFDL-CM3, MPI-ESM-LR, NorESM1-M, ACCESS1-0, NorESM1-M, NCAR, SSTHadGEM2, SSTGFDLSST, và tổ hợp các SST;

      3. Sử dụng phương pháp chi tiết hóa động lực dựa trên 5 mô hình khí hậu khu vực độ phân giải cao, bao gồm: AGCM/MRI, PRECIS, CCAM, RegCM, và clWRF. Tổng cộng có 16 phương án tính toán;

      4. Sử dụng phương pháp thống kê để hiệu chỉnh kết quả tính toán của các mô hình động lực theo số liệu thực đo tại các trạm quan trắc nhằm phản ánh điều kiện cụ thể của địa phương và giảm sai số hệ thống của mô hình;

      5. Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu chi tiết đến cấp huyện, kịch bản nước biển dâng chi tiết đến cấp tỉnh, bản đồ nguy cơ ngập ứng với các mức nước biển dâng chi tiết đến cấp xã;

      6. Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, kịch bản nước biển dâng và nguy cơ ngập theo các mức nước biển dâng cho các đảo, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam;

      7. Xác định mức độ tin cậy của các kết quả tính toán khí hậu và nước biển dâng trong tương lai theo các khoảng phân vị;

      8. Cung cấp các bộ dữ liệu về kết quả tính toán để phục vụ nhu cầu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và rủi ro khí hậu;

      9. Xây dựng công cụ khí hậu tương lai để hỗ trợ thêm cho đánh giá tác động. Công cụ này giúp xác định các kịch bản khí hậu trong tương lai phù hợp với các dự án và với các địa phương cụ thể.

Phòng KHĐT&HTQT

Trả lời