Thông qua cấp bằng tiến sĩ cho NCS. Trần Văn Tình và NCS. Phạm Hải Bằng

Chiều ngày 19/11/2021, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức họp Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đào tạo của Viện thông qua cấp bằng tiến sĩ cho 2 nghiên cứu sinh (NCS) Trần Văn Tình và Phạm Hải Bằng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch và đảm bảo tiến độ tốt nghiệp của NCS không bị gián đoạn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức buổi họp Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đào tạo để thông qua hồ sơ cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại các điểm cầu ngoài Viện và điểm cầu P.116 tại Viện.

 

PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp

Dưới sự chủ trì của PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng – Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Phòng Khoa học Đào tạo và Hợp tác quốc tế đã công bố kết quả thẩm tra quá trình đào tạo và chất lượng luận án của 2 NCS.

Trong đó, NCS. Trần Văn Tình với tên đề tài theo quyết định công nhận là “Áp dụng công nghệ viễn thám nghiên cứu diễn biến chế độ động lực ven biển Tây Nam Bộ” và tên đề tài theo quyết định hiệu chỉnh là “Nghiên cứu ứng dụng mô hình toán và công nghệ viễn thám đánh giá biến động đường bờ biển Tây Nam Bộ”; Ngành: Hải dương học; Mã số: 9440228.

 

NCS. Trần Văn Tình tại buổi đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện

Qúa trình học tập, NCS đã hoàn thành các chương trình như học phần bổ sung, học phần ở trình độ tiến sĩ, tiểu luận tổng quan… NCS. Trần Văn Tình đã đạt các yêu cầu, điều kiện trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở. Trong đó, về minh chứng đề tài, NCS. Trần Văn Tình đã tham gia thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Bộ “Nghiên cứu nhận dạng lũ lớn, phân vùng nguy cơ lũ lớn và xây dựng bản đồ ngập lụt phục vụ cảnh báo lũ lớn lưu vực sông Lam”; là chủ nhiệm nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở “Nghiên cứu xây dựng thang mức độ rủi ro do thiên tai lũ, ngập lụt hạ lưu lưu vực sông Cả”.

NCS có 01 bài đăng trên tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu và 04 bài báo được đăng trên tạp chí khác (trong đó có 02 bài đăng trên tuyển tập hội thảo khoa học).

Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Cơ sở thông qua với 7/7/7 phiếu đồng ý. Chiều ngày 31/05, Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Viện thông qua luận án của NCS với 7/7/7 phiếu tán thành trong đó có 1/7/7 phiếu tán thành xuất sắc. NCS cũng đã nộp Luận án cho Thư viện Quốc gia Việt Nam và đã có giấy biên nhận ngày 17/8/2021.

 

NCS. Phạm Hải Bằng tại buổi đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện

Đối với NCS. Phạm Hải Bằng, tên luận án ban đầu là “Ứng dụng công nghệ bể sinh học + màng khí nâng trong việc xử lý ô nhiễm nước thải từ các lò giết mổ gia súc tập trung” đã được đổi thành: “Nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật tại chỗ trong hệ thống bể sinh học kết hợp màng lọc khí nâng trong xử lý nước thải giết mổ lợn”; Ngành: Quản lý tài nguyên và môi trường; Mã số: 9850101.

NCS. Phạm Hải Bằng đã đạt các yêu cầu, điều kiện trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở. Trong đó, NCS có giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước ngày 16/10/2018, đề tài cấp cơ sở; có 02 bài báo đăng trên tạp chí tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu (01 bài số tiếng Việt và 01 bài số tiếng Anh), 03 bài báo được đăng trên các tạp chí khác.

Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của NCS. Phạm Hải Bằng đã thông qua với 7/7/7 phiếu đồng ý. Ngày 20/7, Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Viện thông qua luận án của NCS với 7/7/7 phiếu tán thành trong đó có 3/7/7 phiếu tán thành xuất sắc. NCS đã nộp Luận án cho Thư viện Quốc gia Việt Nam và đã có giấy biên nhận ngày 17/8/2021.

 

GS. Trần Thục đưa ra nhận xét về 2 NCS

Các thành viên Hội đồng khoa học đã đưa ra ý kiến về việc thông qua hồ sơ cấp bằng tiến sĩ cho NCS. Trần Văn Tình và NCS. Phạm Hải Bằng. Theo các chuyên gia cả 2 NCS đều được đánh giá cao về năng lực nghiên cứu, khả năng trình bày luận án.

Nhận xét riêng về từng NCS, GS.TS. Trần Thục cho biết, NCS. Trần Văn Tình đã lựa chọn vấn đề nghiên cứu có quy mô rộng là biến động đường bờ biển vùng ven biển Tây Nam Bộ từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên nhưng đã rất cố gắng, nỗ lực nghiên cứu, phát hiện ra vấn đề bồi lắng ở Cà Mau và đưa ra được giải pháp khống chế vấn đề đó. Ngược lại, NCS. Phạm Hải Bằng lại lựa chọn vấn đề ở quy mô nhỏ là nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật tại chỗ trong hệ thống bể sinh học kết hợp màng lọc khí nâng trong xử lý nước thải giết mổ lợn. Bằng các phân tích chuyên sâu trong phòng thí nghiệm, luận án đã chứng minh việc sử dụng vác vi sinh vật tại chỗ trong xử lý nước thải giết mổ lợn bằng phương pháp hiếu khí giúp rút ngắn thời gian khởi động của quá trình xử lý sinh học hiếu khí xuống còn 5 – 7 ngày, nâng cao được hiệu quả xử lý và tính ổn định, đồng thời giúp giảm chi phí vận hành đối với loại hình giết mổ lợn có diện tích mặt bằng hạn chế, nằm gần các khu đô thị.

 

Toàn cảnh buổi họp tại điểm cầu phòng 116-118 của Viện

Tổng hợp phiếu đánh giá cấp bằng tiến sĩ cho NCS. Trần Văn Tình và NCS. Phạm Hải Bằng với số phiếu phát ra cho mỗi NCS là 25 phiếu và thu vào 25 phiếu đồng ý, PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng kết luận: NCS. Trần Văn Tình và NCS. Phạm Hải Bằng được nhận học vị tiến sĩ sau cuộc họp ngày 19 tháng 11 năm 2021.

Để lại một bình luận