Thúc đẩy cam kết và thực hiện Phát thải ròng bằng không từ các Viện Nghiên cứu và Trường Đại học

Với mong muốn thúc đẩy sự tham gia và hành động vì khí hậu từ khối nghiên cứu, giáo dục và đào tạo, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia “Thúc đẩy cam kết và thực hiện Phát thải ròng bằng không từ các Viện Nghiên cứu và Trường Đại học” vào chiều ngày 28/3 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương phát biểu khai mạc hội thảo

Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, Chính phủ luôn coi việc ứng phó với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa sống còn để phát triển đất nước bền vững, thịnh vượng, an toàn và góp phần thực hiện nỗ lực toàn cầu theo Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó viện trưởng viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, Báo cáo đặc biệt AR6 đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang diễn ra với độ chắc chắn cao. Các nỗ lực, kế hoạch giảm nhẹ phát thải hiện tại được cung cấp trong các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và các chiến lược dài hạn không đủ để giữ cho sự ấm lên trung bình toàn cầu ở mức dưới 2oC.

Điều này có nghĩa là các quốc gia có lượng phát thải lớn nhất trong lịch sử phải nỗ lực hết sức để giảm lượng khí thải và đạt Net zero sớm hơn so với kế hoạch. Các nước đang phát triển có lượng phát thải lớn và tỷ lệ phát thải thường xuyên tăng lên, phải nỗ lực hết mức tối đa để hạn chế mức tăng phát thải cũng như lập kế hoạch giảm phát thải càng sớm càng tốt. Các quốc gia phải cùng nhau làm cho nỗ lực này có thể đạt được mức phát thải ròng bằng không trên toàn cầu vào năm 2050 hoặc ngay sau đó.

 

Các đại biểu tham dự online nghe TS. Hoàng Minh Giang, đại điện cho nhóm chuyên gia Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ

Tại hội nghị COP26, thủ tướng Phạm Minh Chính đã đại diện Việt Nam đưa ra cam kết rất mạnh mẽ chung tay cùng các quốc gia về đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Để đạt được các cam kết này, cần phải tăng cường sự tham gia và hợp tác của các bên liên quan nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả, thiết thực và bền vững. Trong đó thanh niên, học viện, các cơ quan nghiên cứu là đối tượng quan trọng cần hướng đến trong mục tiêu thúc đẩy Net Zero.

 

Bà Phùng Thị Thu Trang, Phó Giám đốc trung tâm Môi trường, Viện Khoa học KTTVBĐKH phát biểu tại hội thảo

Gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan, trường, viện nghiên cứu tham dự Hội thảo đã được nghe trình bày về “Cam kết Net-Zero của Chính Phủ trong các chính sách và chương trình hiện tại”; công bố các kết quả nghiên cứu phương pháp tính toán phát thải khí nhà kính (KNK) và các giải pháp giảm nhẹ tại trường Đại Học Xây Dựng Hà Nội và Khoa Tài nguyên môi trường, Đại học Cần Thơ.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Phát thải ròng bằng “0” hay Net zero hiện đang là vấn đề cấp bách nhận được sự quan tâm rất lớn từ các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng. Tại Hội thảo, rất nhiều ý kiến thảo luận đã được đưa ra xoay quanh các vấn đề như: Các giải pháp tiềm năng khác cho giảm phát thải KNK toàn diện tại trường đại học và viện nghiên cứu; Cơ hội và thách thức thực hiện các giải pháp này; Làm thế nào để thúc đẩy các trường đại học và viện nghiên cứu tại Việt Nam đóng góp thực hiện NDC cũng như mục tiêu Net Zero; Vai trò của các viện, trường đại học và các đối tác trong việc hỗ trợ thành phố thực hiện các giải pháp xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Trả lời