Sáng 18/3, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Viện KTTV&BĐKH) đã tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia nhân dịp 45 năm ngày thành lập (18/3/1977 -18/3/2022) và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng nhất. Đây là thành tựu ghi nhận những đóng góp của Viện KH KTTV&BĐKH trong quá trình 45 năm cống hiến.
Trong dịp này, Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Lê Công Thành, Bí thư Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nghi lễ trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể Viện.
Tham dự sự kiện còn có các đồng chí nguyên Thứ trưởng: Nguyễn Công Thành, Nguyễn Linh Ngọc, Chu Phạm Ngọc Hiển; các Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu là GS.TS Mai Trọng Nhuận và GS.TS Thần Thục; Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường và đại diện các đơn vị thuộc Bộ TN&MT; các nhà khoa học lâu năm trong ngành Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; nguyên lãnh đạo, cán bộ lão thành cùng toàn thể cán bộ, người lao động của Viện Khoa học KTTV&BĐKH.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Lê Công Thành, Bí thư Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nghi lễ trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể Viện KHKTTVBĐKH
Đạt nhiều thành tựu, đóng góp
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương – Phó Viện trưởng Viện KH KTTV&BĐKH cho biết, với truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Viện KTTVBĐKH đã chủ trì 2 Chương trình nghiên cứu trọng điểm của Nhà nước như Chương trình “Cân bằng nước và tài nguyên nước mặt Việt Nam”, “Khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng các khu vực và lãnh thổ”.
Ngoài ra, Viện KTTVBĐKH đã thực hiện hơn 400 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có trên 50 đề tài thuộc các Chương trình cấp Nhà nước, thuộc các lĩnh vực: Khí tượng và khí hậu học, thủy văn học, hải dương học; quản lý TN&MT; Biển đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững.
PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương – Phó Viện trưởng Viện KH KTTV&BĐKH phát biểu tại Hội thảo
Các kết quả nghiên cứu đều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, được công bố trên gần 200 bài báo quốc tế, 700 bài báo trong nước, 50 sách chuyên khảo. Rất nhiều công trình đã và đang được ứng dụng tại các đơn vị trong và ngoài Bộ, góp phần nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu dự báo bằng phương pháp số trị và ra các bản tin dự báo và thông báo là một bước phát triển đáng kể của Viện. Một số ví dụ điển hình về dự báo khí hậu, thông báo khí tượng nông nghiệp, hạn hán, dự báo thời tiết, bão, dự báo thủy văn và môi trường như: Mô hình số trị dự báo thời tiết đã được áp dụng để dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và dự báo thời tiết hàng ngày; Áp dụng các mô hình dự báo khí hậu khác nhau để ra các thông báo và dự báo khí hậu, hạn hán, khí tượng nông nghiệp hàng tháng gửi các cơ quan liên quan và đăng tải trên website của Viện; …
Viện đã chuyển giao một số mô hình số trị để dự báo thời tiết và bão, dự báo khí hậu, dự báo thủy văn và hải văn cho các địa phương để cùng áp dụng vào nghiệp vụ dự báo khí tượng thủy văn. Các kịch bản “nguy cơ sóng thần cho các vùng biển Việt Nam” được chuyển giao để đưa vào nghiệp vụ báo tin động đất, cảnh báo sóng thần. Nhiều sản phẩm nghiên cứu về tài nguyên khí hậu, đặc điểm khí tượng thủy văn tỉnh đã được chuyển giao cho các tỉnh để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội (Điện Biên, Sơn La, các tỉnh thuộc Tây Nguyên, ven biển miền Trung,…).
Thông qua các đề tài, dự án, Viện đã tổ chức nhiều khóa tập huấn để đào tạo cán bộ ở các địa phương. Viện đã tổ chức chuyển giao các kết quả và hai hệ thống cảnh báo tự động mưa lớn của Dự án “Phân vùng nguy cơ lũ quét cho các tỉnh miền núi phía Bắc” cho 14 tỉnh miền núi phía Bắc.
Đối với kết quả hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ , trong 45 năm qua, Viện KTTVBĐKH đã thiết lập được quan hệ hợp tác bền vững về khoa học, công nghệ và đào tạo với rất nhiều tổ chức quốc tế và các nước như: WMO, UNDP, GEF, UNEP, UNFCCC, WB, Ủy hội Mê Công quốc tế (MRC), Chương trình Thủy văn quốc tế, Mạng lưới giám sát lắng đọng axít vùng Đông Á (EANET); thực hiện hợp tác song phương với các nước: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Úc, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Hàn Quốc, Đan Mạch, CHLB Đức, Anh, các nước ASEAN; ký Biên bản ghi nhớ với Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí châu Á (ACAP),… Qua đó, Viện KTTVBĐKH đã thu hút được nguồn lực đầu tư, kinh nghiệm và các thành tựu khoa học quốc tế về khí tượng thủy văn, môi trường, biến đổi khí hậu tập trung vào các vấn đề gồm: Các nghiên cứu cơ bản về khí tượng, khí hậu, thủy văn; Tăng cường năng lực và công nghệ dự báo; Tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH, đánh giá các tác động của BĐKH đến các lĩnh vực, ngành, địa phương tại Việt Nam.
Ngoài ra, Viện tham gia và tổ chức nhiều khóa tập huấn, hội thảo khoa học quốc tế và quốc gia về các chủ đề liên quan đến khí tượng thủy văn, môi trường, biến đổi khí hậu nhằm trao đổi và tăng cường năng lực nghiên cứu, đào tạo và ngoại ngữ cho các cán bộ thuộc Viện nói riêng, các cán bộ trong ngành KTTV của cả nước nói chung. Đặc biệt trong lĩnh vực BĐKH, các cán bộ của Viện KTTVBĐKH đã tích cực tham gia nhiều hoạt động có liên quan trong khuôn khổ Công ước Khung của LHQ về BĐKH, tham gia các hội thảo về thị trường cacbon, cơ chế phát triển sạch, phát triển phát thải thấp,…
Các GS đầu ngành GS. Trần Thục, GS. Mai Trọng Nhuận, GS. Trần Hồng Thái và lãnh đạo Viện đã trao bằng cho các Tân tiến sĩ của Viện.
Các hoạt động HTQT về đào tạo và khoa học công nghệ đã đem lại hiệu quả thiết thực trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thiết bị mới, đào tạo đội ngũ cán bộ và giải quyết một số vấn đề KHCN mới mà Việt Nam chưa có hoặc còn yếu như dự báo bằng các mô hình số trị, biến đổi khí hậu, công nghệ mới. Viện đã thực hiện tốt và chủ động trong công tác hợp tác quốc tế, chú trọng việc tìm cơ hội nâng cao năng lực cho cán bộ của Viện và quảng bá về các hoạt động chuyên môn của Viện nói riêng và của Bộ TNMT nói chung.
“Các hoạt động HTQT về KHCN đã đem lại hiệu quả thiết thực trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thiết bị mới, đào tạo đội ngũ cán bộ và giải quyết một số vấn đề KHCN mới mà Việt Nam chưa có hoặc còn hạn chế như dự báo bằng các mô hình số trị, biến đổi khí hậu, công nghệ mới. Trong những năm gần đây, Viện đã hoàn thành nhiều dự án hợp tác quốc tế và được đánh giá cao về kết quả đạt được cũng như công tác quản lý tài chính” PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương – Phó Viện trưởng Viện KH KTTV&BĐKH cho biết thêm.
Đạt nhiều kết quả về đào tạo
Là Viện chuyên ngành lớn của cả nước, Viện KTTVBĐKH cũng thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ cao cho toàn ngành. Từ năm 1982, Viện đã được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học bậc tiến sĩ lúc đầu với 3 chuyên ngành: Khí tượng và khí hậu học, Thủy văn học, Hải dương học. và sau đó mở rộng thêm chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường vào năm 2011 và chuyên ngành Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững vào tháng 6/2014 (nay là chuyên ngành Biến đổi khí hậu).
Cùng với các hoạt động nghiên cứu khoa học, trong 45 năm tổ chức thực hiện đào tạo cán bộ sau đại học, Viện đã đào tạo được hơn 80 tiến sĩ cho toàn ngành thuộc các lĩnh vực Khí tượng và khí hậu học, Thủy văn học, Hải dương học, Quản lý Tài nguyên và môi trường, Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững (nay là ngành Biến đổi khí hậu). Hiện nay, có gần 30 nghiên cứu sinh đang tham gia nghiên cứu và học tập tại Viện. Các nghiên cứu sinh được đào tạo có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị cử người đi đào tạo. Nhiều người đã trở thành các nhà khoa học có uy tín trong ngành.
Trong suốt quá trình hoạt động 45 năm qua, Viện Khoa học KTTVBĐKH đã đạt được nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng do Đảng, Nhà nước và Bộ TN&MT trao tặng. Đây là những phần thưởng cao quý, sự ghi nhận những thành tựu và đóng góp của Viện.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã biểu dương, chúc mừng tập thể Viện Khoa học KTTV&BĐKH vì những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua. Những thành quả lao động sáng tạo của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện đã đóng góp vào sự phát triển của ngành TN&MT nói riêng và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung.
Để phát huy các thành quả đạt được, Thứ trưởng đề nghị, Viện xây dựng chiến lược phát triển có lộ trình phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới; tăng cường, nâng cao chất lượng đỗi ngũ cán bộ khoa học của Viện, đảm bảo vừa là nhà khoa học, vừa là nhà tư vấn, tham mưu giỏi cho Bộ, cho ngành.
Cần đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học, đề xuất, triển khai thực hiện những công trình mang tính đột phá cho ngành, cho đất nước. Chú trọng các nghiên cứu thiết thực, gắn với thực tiễn quản lý của ngành, bám sát kế hoạch hành động của ngành giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo; vừa đảm bảo giải quyết các vấn đề mà đất nước, xã hội đang đặt ra, vừa dự báo tương lai sắp tới như các hoạt động triển khai COP 26, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số.
Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác đào tạo của Viện cần gắn với nhu cầu cao của ngành, của xã hội để có kế hoạch mở rộng mã ngành, phát triển quy mô đào tạo. Song song với tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, Viện phải là cầu nối giữa các nhà quản lý với các nhà khoa học cả ở trong và ngoài nước. Ngoài ra, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Viện; hình thành những phòng thí nghiệm hiện đại, tiên tiến, xứng đáng là điểm đến đáng tin cậy cho những người đam mê nghiên cứu khoa học.
Tập thể nghiên cứu sinh nhận Bằng Tiến sĩ năm 2022
Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Công Thành đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tài nguyên và Môi trường” cho các tập thể, cá nhân của Viện. Bên cạnh đó, Viện cũng trao bằng Tiến sỹ cho các nghiên cứu sinh đủ điều kiện năm nay.