Giới thiệu Kịch bản biến đổi khí hậu và Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia

Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) phiên bản 2020 và Báo cáo Đánh giá Khí hậu quốc gia là công cụ hỗ trợ cho việc xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch ứng phó với BĐKH và lồng ghép ứng phó với BĐKH vào các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của các Bộ, ngành và địa phương.

 

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu khai mạc Hội thảo 

Hội thảo giới thiệu Kịch bản biến đổi khí hậu và Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia vừa được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) tổ chức sáng ngày 14/1 tại Hà Nội bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Lê Công Thành, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn; PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH; PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà là Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH cùng hơn 300 đại biểu đại diện các sở ban ngành trên cả nước tham gia bằng hình thức trực tuyến.

 

Các đại biểu tham gia trực tiếp chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2009, 2012, và 2016. Phiên bản 2020 được cập nhật dựa trên cơ sở các công bố mới nhất của Ban liên chính phủ (IPCC), kết quả cập nhật nhất của các mô hình khí hậu toàn cầu, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn, số liệu mực nước biển đo đạc từ vệ tinh và số liệu địa hình.

Cùng với đó, Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất đã cung cấp các thông tin về đặc điểm, hiện trạng và mức độ dao động khí hậu và biến đổi của khí hậu ở Việt Nam, những tác động ở hiện tại và trong tương lai của BĐKH, việc sử dụng kịch bản BĐKH trong hoạt động ứng phó với BĐKH, tổng hợp và đánh giá các giải pháp ứng phó với BĐKH và những thiếu hụt trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.

 

Các đại biểu tham dự trực tuyến

Thứ trưởng cũng chỉ đạo, trong thời gian tới, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Biến đổi khí hậu và Viện KHKTTV&BĐKH cần phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các thông tin và nội dung của Kịch bản BĐKH và Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia để hỗ trợ cho việc xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch ứng phó với BĐKH và lồng ghép ứng phó với BĐKH vào các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của các Bộ, ngành và địa phương. Ngoài ra, cũng cần quy định, khuyến khích các Bộ ngành và địa phương tham khảo các thông tin trong báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia khi xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển ngành và địa phương.

Kịch bản biến đổi khí hậu bổ sung dự tính đến các đơn vị hành chính cấp huyện

Trình bày về nội dung của Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản 2020, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Kịch bản đã sử dụng số liệu quan trắc và số liệu mô hình số độ cao cập nhật đến năm 2020, bổ sung 10 phương án mô hình toàn cầu và 6 mô hình khu vực để dự tính các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nguy cơ ngập do nước biển dâng chi tiết đến các đơn vị hành chính cấp huyện, các đảo và quần đảo của Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng trình bày nội dung Kịch bản biến đổi khí hậu

Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản 2020 đã đề cập đến các vấn đề về biến đổi khí hậu toàn cầu (về nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng); số liệu và phương pháp (số liệu khí tượng, mực nước thủy triều, phương pháp xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, phương pháp xây dựng kịch bản nước biển dâng); biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam; kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam (nhiệt độ, lượng mưa, các hiện tượng cực đoan); kịch bản nước biển dâng.

Theo người đứng đầu Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020 có thể sử dụng làm số liệu đầu vào trong quá trình xây dựng, cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới.

 

Báo cáo đánh giá khí hậu góp phần xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH

Đại diện nhóm nghiên cứu giới thiệu về nội dung của Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia, PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương cho biết, Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia được xây dựng theo quy định tại Điều 35 của Luật khí tượng thủy văn năm 2015 và nội dung của Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia được quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTNMT. Đây là báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất, được xây dựng vào năm cuối của kỳ đánh giá (năm 2018).

 

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương trình bày nội dung Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia

Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia đã đánh giá khí hậu cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam bao gồm khí hậu trên đất liền và khí hậu vùng biển. Các phương pháp thống kê, phương pháp mô hình toán, phương pháp tổng hợp, kế thừa được sử dụng để xây dựng báo cáo.

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương cũng chia sẻ rằng số liệu sử dụng trong Báo cáo được kế thừa từ dự án “Cập nhật kịch bản BĐKH, NBD cho Việt Nam” thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và TTX giai đoạn 2016-2020.

 

Các số liệu về nhiệt độ, lượng mưa tại 150 trạm khí tượng và số liệu mực nước biển tại 15 trạm hải văn được thu thập từ năm bắt đầu có số liệu từ 1958 (đối với số liệu tháng) và từ 1961 (đối với số liệu ngày) đến năm 2018, một số số liệu liên quan đến hiện tượng thời tiết cực đoan được cập nhật đến năm 2020. Báo cáo sẽ được cập nhật định kỳ theo lộ trình được quy định trong Luật khí tượng thủy văn.

Hướng dẫn khai thác và sử dụng Kịch bản BĐKH cho Việt Nam

Được xây dựng với mục đích tham khảo trong quá trình xây dựng, cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới, việc sử dụng kịch bản cần tuân theo các nguyên tắc nhất định. Tại Hội thảo, PGS. TS Phạm Thị Thanh Ngà đã hướng dẫn chi tiết cách khai thác và sử dụng Kịch bản biến đổi khí hậu một cách hiệu quả nhất.

 

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà hướng dẫn cách khai thác Kịch bản biến đổi khí hậu

Theo PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Kịch bản BĐKH và NBD năm 2020 là phiên bản cập nhật mới nhất cho Việt Nam sau Báo cáo AR5 và các công bố mới nhất của IPCC năm 2018 và 2019 về xu thế biến đổi khí hậu và nước biển dâng quy mô toàn cầu. Kịch bản được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể khai thác và sử dụng cho những mục đích khác nhau, bao gồm: Tra cứu thông tin, nghiên cứu, đánh giá tác động, quản lý rủi ro và lập kế hoạch, quy hoạch trong các hoạt động thích ứng với BĐKH.

Tùy thuộc từng mục đích, người sử dụng có thể lựa chọn khai thác những thông tin, dữ liệu khác nhau từ cơ bản đến nâng cao, từ những hiểu biết chung về BĐKH toàn cầu đến những Kịch bản BDKH trong tương lai cho một vùng hoặc địa phương cụ thể, có thể toàn bộ hay chỉ một phần của Kịch bản.

Các dự tính về BĐKH cung cấp thông tin về các rủi ro trong tương lai dựa trên các kịch bản RCP theo mức độ: Cơ bản và nâng cao, có thể khai thác và sử dụng trực tiếp hoặc có thể làm đầu vào cho các mô hình để phân tích, đánh giá tác động và xây dựng các giải pháp ứng phó cũng như trong việc lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, vì vậy cần được xem xét và lựa chọn phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và địa phương với các tiêu chí: Tính đặc thù; Tính đa mục tiêu; Tính hiệu quả nhiều mặt; Tính bền vững; Tính khả thi.

 

Việc triển khai, xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH không nhất thiết phải tiến hành đại trà ở quy mô thế kỷ, mà cần phải có sự phân kỳ; cần phải xác định được mức độ ưu tiên dựa trên yêu cầu thực tiễn, nguồn lực có được trong từng giai đoạn để lựa chọn kịch bản phù hợp và tối ưu nhất.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà cũng đưa ra một số khuyến nghị khi sử dụng kịch bản như: Kịch bản không phải là các dự báo khác nhau, mà là các công cụ để đánh giá nguy cơ, rủi ro dựa trên các kịch bản phát thải cho đến cuối thế kỷ. Khi sử dụng hay đánh giá bất cứ một kịch bản nào, cần xác định đây không phải là dự báo khả năng xảy ra, mà là kịch bản các kết quả dựa trên các mô phỏng khí hậu để mô tả khí hậu tương lai một cách hợp lý nhất để người dùng quyết định; Mặc dù đã có một số tiến bộ gần đây trong việc thay đổi đường cong phát thải, kịch bản RCP8.5, là kịch bản sử dụng nhiên liệu hóa thạch lớn nhất giả định cho các mô hình khí hậu toàn cầu, sẽ tiếp tục là một công cụ hữu ích để định lượng rủi ro khí hậu vật lý, đặc biệt là đối với chính sách đến giữa thế kỷ (2050). Không chỉ đường phát thải RCP8.5 tương đồng chặt chẽ với tổng lượng phát thải CO2 tích lũy trong quá khứ (1%), mà RCP8.5 còn là mức phát thải phù hợp nhất đếngiữa thế kỷ theo các chính sách hiện hành; Không có kịch bản BĐKH tốt nhất mà chỉ là kịch bản phù hợp nhất, nên khi lựa chọn sử dụng kịch bản người dùng cần có thời gian xác định chính xác nhu cầu và thực hiện qua các bước đã hướng dẫn và quá trình có thể lặp lại…

 

Ông James Syme trình bày

Hội thảo cũng đã nghe ông James Syme, Chuyên gia Ngân hàng thế giới trình bày dự thảo hướng dẫn sử dụng Kịch bản Biến đổi khí hậu chi tiết cho Đồng bằng Sông Cửu Long đồng thời nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ các đại biểu tham dự.

 Kịch bản Biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật 2020: Tại đây

 Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia: Tại đây

Trả lời