Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của NCS. Hoàng Thị Ngọc Hà

Sáng 21 tháng 1, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở cho nghiên cứu sinh (NCS) Hoàng Thị Ngọc Hà với đề tài: “Nghiên cứu tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của hệ sinh thái- xã hội tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định”; Ngành: Biến đổi khí hậu; Mã số: 9440221 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

 

PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương chủ trì buổi đánh giá

Trước đó, Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở cho NCS. Hoàng Thị Ngọc Hà đã được thành lập theo Quyết định số 405/ QĐ-VKTTVBĐKH ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu gồm các thành viên: PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Chủ tịch hội đồng; TS. Đặng Quang Thịnh (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên thư ký; PGS. TS. Trịnh Thị Thanh (Chuyên gia) là Ủy viên Phản biện; PGS. TS. Nguyễn An Thịnh (Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội) là Ủy viên Phản biện 2); TS. Lê Ngọc Cầu, TS. Đoàn Thị Thanh Hương, TS. Nguyễn Đăng Mậu (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên.

Trước các thành viên Hội đồng, NCS. Hoàng Thị Ngọc Hà đã lần lượt trình bày các nội dung trong luận án của mình.

Tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của hệ sinh thái – xã hội

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và xác định được những rủi ro, tổn thương của hệ sinh thái – xã hội (ST-XH) theo các lĩnh vực, khu vực và khả năng chống chịu của hệ thể hiện qua các nguồn lực là cơ sở, đầu vào quan trọng cho xây dựng chiến lược, kế hoạch ứng phó BĐKH và phát triển. Điều này càng có ý nghĩa đối với vùng ven biển đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), nơi có dân số đông, nông nghệp chiếm cơ cấu chính, ĐDSH cao và hiện có những thay đổi lớn trong quy hoạch phát triển, sử dụng đất nhưng đang phải đối mặt với các thách thức từ BĐKH và NBD. Thực tế cho thấy, các khu vực địa lý, sinh thái, vùng KT-XH khác nhau chịu các tác động, rủi ro khác nhau. Các hệ sinh thái, một trong những hợp phần quan trọng nhất của hệ thống tự nhiên, vừa giúp con người thích ứng với BĐKH những cũng là đối tượng dễ bị tổn thương bởi các yếu tố BĐKH. Cần thiết xem xét toàn diện các đối tượng bị tác động theo các phân vùng khi đánh giá rủi ro. Điều này liên quan đến đánh giá khả năng chống chịu thiên tai, khí hậu của một cộng đồng thể hiện qua các yếu tố: Tự nhiên, kinh tế, xã hội, vật chất/ cơ sở hạ tầng và thể chế. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, lý thuyết hệ sinh thái – xã hội còn mới mẻ, việc đánh giá tác động của BĐKH theo phân vùng sinh thái – xã hội cũng như đánh giá khả năng chống chịu thiên tai, khí hậu chưa được nghiên cứu nhiều.

 

NCS. Hoàng Thị Ngọc Hà trình bày các nội dung của luận án

Giao Thủy, một trong 3 huyện ven biển của tỉnh Nam Định, là khu vực có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với Vườn quốc gia Xuân Thuỷ – vùng lõi chính của Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và là khu RAMSA đầu tiên của Việt Nam. Huyện có đông dân cư, kinh tế nông nghiệp – thuỷ sản chiếm cơ cấu chính và có sự phụ thuộc lớn vào các yếu tố tự nhiên, đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ thiên tai, BĐKH. Theo Kịch bản phát thải trung bình (RCP 4.5) thì vào cuối thế kỷ 21, khi mực nước biển trung bình ở Nam Định dâng lên 100cm sẽ gây ngập khoảng 64,6% diện tích huyện Giao Thuỷ. Các yếu tố khí hậu như nhiệt độ tăng, nước biển dâng và thiên tai cực đoan (bão, mưa lụt, xâm nhập mặn,..) đã, đang và sẽ gây ra nhiều rủi ro cho đời sống, sản xuất và môi trường. Lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên nước và hạ tầng ven biển trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định khu vực ven biển là địa bàn trọng tâm về kinh tế của huyện với 2 mũi nhọn du lịch và thuỷ sản. Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Nam Định nêu rõ Giao Thuỷ là một trong những khu vực đã và sẽ bị tác động mạnh nhất, tuy nhiên Kế hoạch này không phân vùng ảnh hưởng cụ thể và chưa đề cập đến rủi ro đối với ĐDSH, HST hay khả năng thích ứng của chúng. Tại địa bàn đã có một số nghiên cứu của các tác giả liên quan đến vấn đề trên nhưng chủ yếu là xem xét tác động của thiên tai đến cụ thể từng lĩnh vực như sinh kế, rừng ngập mặn hay sử dụng đất mà chưa đánh giá tác động theo khu vực, chưa bàn đến khả năng chống chịu BĐKH của các hệ thống xã hội, tự nhiên hay các nguồn lực cho thích ứng và phát triển. Bên cạnh đó, hướng tiếp cận “dựa vào hệ sinh thái” (EbA), thuận tự nhiên cho thích ứng BĐKH ít được nhắc đến. Trong khi đó, việc đánh giá tác động của BĐKH, hiện trạng các nguồn lực cho thích ứng, chống chịu BĐKH là rất cần thiết và là đầu vào cho xây dựng các chiến lược ứng phó BĐKH dài hạn ở cấp huyện cũng như lồng ghép BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH. Một phương pháp luận khoa học với cách tiếp cận mới, hệ thống, liên ngành và có thể ứng dụng linh hoạt trong hoàn cảnh cụ thể là cần thiết khi mà cả hệ thống xã hội, tự nhiên đều đang vận động, chuyển đổi.

Do vậy, để góp phần thu nhỏ các khoảng trống này, NCS chọn thực hiện nghiên cứu “Tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của hệ sinh thái – xã hội tại huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định”.

 

Các thành viên Hội đồng nghe trình bày

Đánh giá được tác động của BĐKH, đề xuất các giải pháp chống chịu

Bằng việc nghiên cứu khả năng chống chịu BĐKH của hệ ST-XH tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định trong thời gian từ năm 2016 đến 2019 và số liệu hồi cứu trong 50 năm, Luận án đã thu được những kết quả quan trọng.

Trong đó, khung phân tích hệ sinh thái – xã hội đã được phát triển cho huyện Giao Thuỷ dựa trên lý thuyết, khung phân tích chung của quốc tế và những đặc trưng của khu vực nghiên cứu – vùng ven biển chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH là phù hợp để triển khai luận án. So với tiếp cận Sinh thái-nhân văn, tiếp cận ST-XH chú ý nhiều hơn tới các yếu tố thể chế, chính sách và tổ chức xã hội của hệ xã hội (hành lang pháp lý) – yếu tố chủ chốt cho sự phát triển, vì vậy làm tăng ý nghĩa thực tiễn trong bối cảnh Việt Nam.

Hệ sinh thái – xã hội huyện Giao Thuỷ được đặc trưng bởi hệ tự nhiên, hệ xã hội và mối tương tác, lẫn nhau giữa 2 hệ thống. Về mặt tự nhiên, Giao Thủy là vùng đồng bằng ven biển, cửa sông có ĐDSH cao và chịu tác động mạnh của BĐKH, NBD; Về mặt xã hội, đây là vùng kinh tế nông nghiệp truyền thống gắn với thuỷ sản, dân số đông, đang có sự chuyển đổi trong cơ cấu kinh tế và quy hoạch phát triển. Hệ sinh thái – xã hội huyện Giao Thuỷ được chia thành 2 phân vùng lớn: Phân vùng nội đồng, nước ngọt, ít chịu tác động của bão, lụt và NBD, hoạt động sinh kế chính gồm trồng lúa, rau màu, chăn nuôi và NTTS nước ngọt, và ii) Phân vùng giáp biển, gồm tiểu vùng ngoài đê, nước mặn, chịu tác động mạnh và trực tiếp của bão, lụt và NBD với hoạt động sinh kế chủ yếu là NTTS nước mặn, và tiểu vùng trong đê, nước lợ với sinh kế chính là nuôi trồng thủy sản nước lợ.

 

Toàn cảnh Hội đồng đánh giá

Huyện Giao Thủy chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH và NBD, điển hình là bão, mưa lớn, lụt, xâm nhập mặn và rét hại, gây nhiều rủi ro lớn và tiềm tàng cho sinh kế trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản và tài nguyên nước. Các hệ sinh thái điển hình như rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển cũng đối mặt với các thách thức gia tăng từ bão và siêu bão. Bão, lụt có xu hướng gia tăng về tần suất, cường độ và độ bất thường trong thập kỷ gần đây. Theo dự tính trong kịch bản BĐKH và NBD Việt Nam (2016), 64,6% diện tích huyện có nguy cơ bị ngập nếu NBD dâng 100cm vào cuối thế kỷ 21.

Khả năng chống chịu BĐKH dựa trên nguồn lực bao gồm các nguồn lực Tự nhiên, Kinh tế, Xã hội, Vật chất/ CSHT và Chính sách đã được đánh giá. Kết quả đánh giá theo phương pháp CDRI, với 125 chỉ tiêu được phát triển cho thấy huyện Giao Thuỷ có mức chống chịu khí hậu Trung bình cao (3,56Đ) trong đó nguồn lực mạnh nhất là Vật chất/ CSHT, tiếp theo là Xã hội, Chính sách, Tự nhiên và Kinh tế.

 

Ủy viên phản biện 1 đọc nhận xét

Có thể nói, nguồn lực thường được đề cập gồm tài chính, vật chất và con người nhưng trong thực tế hiện nay để ứng phó với BĐKH về lâu dài, cần có nguồn lực tổng thể, toàn diện cả vật chất và phi vật chất, cả nội lực và ngoại lực. Quá trình đánh giá nguồn lực có tính toán trọng số – xác định mức độ quan trọng cho các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể giúp làm rõ hơn điểm mạnh, hạn chế ở các lĩnh vực của địa phương và góp phần đề xuất được các giải pháp phù hợp, khả thi. Theo đó, phương pháp CDRI có thể được tiếp tục phát triển để nhân rộng ra các địa phương khác.

Đã đề xuất các giải pháp cho tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với BĐKH dựa vào HST, bao gồm các giải pháp cho các nguồn lực như chính sách, tự nhiên, kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, 02 mô hình sinh kế chống chịu khí hậu theo tiếp cận dựa trên hệ sinh thái nhằm đạt đa lợi ích và ít xả thải (kinh tế cộng sinh/ tuần hoàn) cũng đã được đề xuất cho 2 phân vùng điển hình: nội đồng và giáp biển.

Sau phần trình bày của NCS. Hoàng Thị Ngọc Hà, các thầy cô trong Hội đồng đã lần lượt đưa ra những ý kiến nhận xét, góp ý cho luận án.

 

GS.TSKH Trương Quang Học, đại diện giáo viên hướng dẫn phát biểu

Sau phiên họp kín, Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của NCS. Hoàng Thị Ngọc Hà đều thông qua đánh giá với 7/7/7 phiếu đồng ý. Như vậy, NCS. Hoàng Thị Ngọc Hà sẽ tiếp tục hoàn thiện luận án cho buổi đánh giá cấp Viện trong thời gian tới.

Trả lời