Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của NCS. Trịnh Hoàng Dương

Sáng ngày 30/9/2021, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của nghiên cứu sinh (NCS) Trịnh Hoàng Dương với đề tài: “Nghiên cứu đánh giá diễn biến năng lượng bão trên Biển Đông”, ngành: Khí tượng và khí hậu học; Mã số: 9440222.

 

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện Công văn số 707/BGDĐT-GDĐH ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn đánh giá đồ án, luận văn, luận án tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến năm 2021 trong thời gian dịch Covid-19; Quyết định số 113/ QĐ-VKTTVBĐKH ngày 21 tháng 5 năm 2021 của Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu ban hành Quy trình tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ theo hình thức trực tuyến, buổi đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của NCS. Trịnh Hoàng Dương đã được tổ chức bán trực tuyến với điểm cầu tại phòng 131 dành cho NCS. trình bày và nhiều điểm cầu ngoài Viện dành cho một số thầy cô trong Hội đồng.

 

PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà là chủ tịch Hội đồng

Buổi đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của NCS. Trịnh Hoàng Dương diễn ra với sự tham gia của đại diện cơ sở đào tạo là PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng (Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) cùng các thành viên Hội đồng là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Khí tượng, khí hậu đến từ các cơ quan trong Bộ.

 

Toàn cảnh Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của NCS. Trịnh Hoàng Dương

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở của NCS. Trịnh Hoàng Dương được thành lập theo Quyết định số 251/QĐ-VKTTVBĐKH ngày 08 tháng 9 năm 2021 gồm các thành viên:

– PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Chủ tịch Hội đồng;

– TS. Vũ Văn Thăng (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên thư ký;

– PGS. TS. Trần Quang Đức (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) là Ủy viên Phản biện 1;

– TS. Nguyễn Văn Hiệp (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ) là Ủy viên Phản biện 2;

– PGS. TS. Mai Văn Khiêm (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), TS. Bùi Minh Tăng (Chuyên gia), TS. Chu Thị Thu Hường (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) là Ủy viên.

 

Trước Hội đồng, NCS. Trịnh Hoàng Dương đã trình bày các nội dung trong luận án của mình. Trong đó, luận án xác định hai mục tiêu chính là làm rõ được đặc điểm diễn biến của năng lượng bão tích lũy trên Biển Đông và mối quan hệ giữa năng lượng bão tích lũy trên Biển Đông với nhiệt độ mặt nước biển, với dòng xiết cận nhiệt đới; Xây dựng được mô hình thống kê dự báo năng lượng bão tích lũy trên Biển Đông dựa trên thông tin nhiệt độ mặt nước biển và dòng xiết cận nhiệt đới.

 

NCS. Trịnh Hoàng Dương trình bày các nội dung của luận án

Luận án sử dụng phương pháp phân tích địa lý và các phương pháp phân tích tương quan, xu thế diễn biến, hàm trực giao thực nghiệm, kiểm nghiệm thống kê nhằm đánh giá đặc điểm diễn biến của năng lượng bão tích lũy trên Biển Đông và xác định mối quan hệ giữa chúng với các yếu tố khí hậu khác.

Bên cạnh đó, NCS. cũng dùng phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính đơn, đa biến, kiểm nghiệm thống kê, phương pháp đánh giá sai số dự báo, phương pháp xử lý sản phẩm của phương trình dự báo khí hậu toàn cầu nhằm xây dựng và đánh giá tính hiệu quả, tính tin cậy của các phương trình dự báo hạn mùa về chỉ số năng lượng bão tích lũy trên Biển Đông. 

Bằng việc tính toán và nghiên cứu số liệu lớn trong thời gian dài, luận án “Nghiên cứu đánh giá diễn biến năng lượng bão trên Biển Đông” của NCS. Trịnh Hoàng Dương mang ý nghĩa thực tiễn lớn. Đầu tiên phải kể đến là việc luận án đã góp phần đúc kết bài học kinh nghiệm trong dự báo hạn mùa và nhận định hoạt động của bão trên Biển Đông dựa trên xu thế biến động của nhiệt độ mặt nước biển ở phía Đông Nam Nhật Bản và cường độ dòng xiết cận nhiệt đới.

Cùng với đó, phương trình thống kê dự báo hạn mùa về năng lượng bão sử dụng đầu vào là sản phẩm mô hình động lực CFSv2 về nhiệt độ mặt nước biển ở phía Đông Nam Nhật Bản và cường độ của dòng xiết cận nhiệt đới (gió vĩ hướng mực 200mb) có thể thử nghiệm áp dụng trong nghiệp vụ.

 

Toàn cảnh Hội đồng

Kết thúc phần trình bày của NCS., các thầy cô trong Hội đồng đã có những ý kiến đóng góp cho luận án.

Sau phiên họp kín, Hội đồng thống nhất cho phép nghiên cứu sinh hoàn thiện luận án để chuẩn bị cho các bước tiếp theo.

Trả lời