Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài do TS. Vũ Văn Thăng làm chủ nhiệm

Sáng 19/11 Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở “Nghiên cứu xây dựng hệ thống nghiệp vụ dự báo định lượng mưa khi vực Nam Bộ và cảnh báo mưa lớn hạn cực ngắn cho thành phố Hồ Chí Minh” do PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu chủ trì.

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu là Chủ tịch Hội đồng

Hội đổng nghiệm thu có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực Khí tượng khí hậu trong và ngoài Viện.

Tại buổi nghiệm thu, TS. Vũ Văn Thăng, chủ nhiệm đề tài đã trình bày các nội dung chính của đề tài như: Mục tiêu, nội dung, sản phẩm, kết quả mà đề tài đã đạt được.

 

TS. Vũ Văn Thăng, chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo

Trong đó, đề tài gồm có 3 mục tiêu là: 1) Xây dựng được hệ thống mô hình số trị dự báo định lượng mưa hạn từ 1 đến 3 ngày cho khu vực Nam Bộ; 2) Thiết lập được hệ thống nghiệp vụ dự báo mưa cho khu vực Nam Bộ; 3) Thiết lập được hệ thống cảnh báo mưa lớn hạn cực ngắn (trước 3-6 giờ) cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Các nội dung nghiên cứu của đề tài gồm: Thu thập, chuẩn hóa số liệu quan trắc, mô hình toàn cầu, vệ tinh, RADAR, GSMAP, SYNOP; Nghiên cứu các đợt mưa lớn điển hình, trái mùa ở Nam Bộ trong 5 năm gần đây; Thiết lập mô hình dự báo mưa định lượng hạn từ 1-3 ngày; Nghiên cứu đồng hóa số liệu, tạo trường ban đầu cho mô hình, tổ hợp dự báo định lượng mưa; Đánh giá kết quả chạy mô hình cho 3 năm (2014-2016); Mô hình dự báo mưa lớn hạn cực ngắn (3-6h); Quy trình nghiệp vụ dự báo mưa định lượng và hạn cực ngắn; Áp dụng, đánh giá kết quả và chuyển giao công nghệ.

 

Các nội dung của đề tài được thể hiện chi tiết trong bảng

Chủ nhiệm đề tài cũng đã nêu ra một số kết quả khoa học chính mà đề tài đã đạt được như sau:

Bộ số liệu quan trắc truyền thống (nhiệt, mưa gió), số liệu phi truyền thống (radar, vệ tinh), số liệu mưa GSMaP, số liệu GFS (độ phân giải 0.5×0.5 và 0.25×0.25 độ kinh vĩ), các bản đồ synop trong 5 năm gần đây; Bộ số liệu chuẩn để thử nghiệm hệ thống dự báo ở chế độ nghiệp vụ.

Cơ chế nhiệt động lực gây mưa lớn trái mùa ở khu vực Nam Bộ trong 5 năm gầy đây được phân tích dựa vào các bản đồ tái phân tích JRA25 (2012-2104), JRA55 (2015-2016) của cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA), kết hợp với số liệu của các đợt mưa lớn diện rộng từ năm 2012-2016, đã phân loại được 8 loại hình thế thời tiết gây mưa lớn diện rộng trên khu vực Nam Bộ.

Đã đánh giá lựa chọn được cấu hình (miền tính, lưới tính, các sơ đồ tham số hóa,..); xây dựng được công nghệ đồng hóa số liệu truyền thống, phi truyền thống (3DVAR; 4DVAR; GSI) cho mô hình số trị độ phân giải cao; xây dựng hệ thống tổ hợp lọc Kalman (EnTKF) trong mô hình WRF; hệ thống dự báo tổ hợp định lượng mưa 1-3 ngày cho khu vực Nam Bộ.

Đã chạy thử nghiệm dự báo định lượng mưa khu vực Nam Bộ trong 3 năm gần đây (2014-2016) của các mô hình dự báo số trị

Đã xây dựng được hệ thống cảnh báo mưa lớn hạn cực ngắn (trước 0-6 giờ) cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh từ ngoại suy mưa từ số liệu radar bằng phần mềm SWIRLS, ngoại suy mưa từ số liệu vệ tinh và từ hệ thống mô hình số trị độ phân giải cao kết hợp đồng hóa cập nhật nhanh số liệu radar (HCM-RAP).

Đã xây dựng được quy trình nghiệp vụ dự báo định lượng mưa khu vực Nam Bộ và cảnh báo mưa lớn hạn cực ngắn cho thành phố Hồ Chí Minh

Đã chạy thử nghiệm và đánh giá kết quả dự báo định lượng mưa khu vực Nam Bộ và cảnh báo mưa lớn hạn cực ngắn cho thành phố Hồ Chí Minh trong chế độ tựa nghiệp vụ cho năm 2019.

Đã xây dựng được tài liệu hướng dẫn sử dụng công nghệ dự báo định lượng mưa và mưa lớn và cách khai thác sản phẩm dự báo; Hệ thống chương trình tự động lấy số liệu, xử lý số liệu đầu vào, thực hiện dự báo, xử lý và trích xuất kết quả dự báo; công cụ hỗ khai thác thông tin, số liệu dự báo. Toàn bố các chương trình được cài đặt và vận hành trên hệ thống HPC của Viện KH KTTV&BĐKH.

Đã công bố 3 bài báo quốc tế (được chấp nhận đăng), 01 bài đang chỉnh sửa theo ý kiến phản biện; 8 bài báo trên tạp chí và tuyển tập hội thảo trong nước (trong đó có 6 bài báo đăng trên các tạp chí KTTV, BĐKH, ĐHQG và hai bài tên tuyển tập Hội thảo của Viện KH KTTV&BĐKH); hỗ trợ đào tạo 1 NCS và 2 Thạc sỹ đã tốt nghiệp và 1 thạc sỹ đang chuẩn bị bảo vệ.

Trả lời