Hội thảo khoa học lần thứ nhất đề tài “Nghiên cứu hoạt động của tín phong và ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu Việt Nam”

Tại Hội thảo, nhóm thực hiện đề tài đã trình bày 03 chuyên đề khoa học quan trọng liên quan đến vấn đề nhận diện tín phong, vai trò của tín phong gây mưa lớn và mối quan hệ của tín phong với khí hậu Việt Nam.

 

PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà chủ trì Hội thảo

Để góp ý cho đề tài hoàn thiện sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm khoa hoc cơ bản, nhằm lấy ý kiến cho các chuyên đề chính của đề tài, sáng 6/5 Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ nhất của đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu hoạt động của tín phong và ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham dự của PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng (Viện trưởng), PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Phó Viện trưởng), GS. TS. Nguyễn Trọng Hiệu, PGS. TS. Mai Văn Khiêm, PGS. TS. Nguyễn Đăng Quế, TS. Nguyễn Văn Hiệp, TS. Vũ Văn Thăng và các nhà khoa học trong và ngoài Viện.

Đề tài do TS. Nguyễn Đăng Mậu làm chủ nhiệm thuộc Chương trình TNMT. 2021.562, trọng tâm nghiên cứu cơ bản về tín phong và tương tác với các hệ thống khác.

Mục tiêu của đề tài tập trung vào xác định được quy luật hoạt động của tín phong khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và làm rõ được ảnh hưởng của tín phong đến thời tiết, khí hậu ở Việt Nam.

Các vấn đề chính được tập trung nghiên cứu trong đề tài gồm: Quy trình hoạt động của tín phong và hệ quả thời tiết khí hậu Việt Nam; Xác định các hình thế gây mưa lớn ở Việt Nam có liên quan đến tín phong (tín phong tương tác với các hệ thống ngoại nhiệt đới gây mưa lớn và sự hình thành của các nhiễu động nhiệt đới kết hợp tín phong gây mưa lớn);

 

TS. Nguyễn Đăng Mậu trình bày tại Hội thảo

Nghiên cứu sự biến đổi của tín phong theo mùa, xác định các đặc trưng thịnh hành của tín phong ở Việt Nam; Sự biến đổi của tín phong (hoặc áp cao cận nhiệt đới) trong những năm ENSO mạnh và ENSO yếu, sự biến đổi này tác động đến sự thay đổi của mưa như thế nào;

Đề tài cũng đẩy mạnh nghiên cứu mô hình số để giải thích cơ chế vật lý tương tác giữa tín phong với các nhân tố khác (trường nhiệt độ mặt biển, hoàn lưu, địa hình, …); Xác định hoạt động của nhiễu động trong đới tín phong gây thời tiết cực đoan Việt Nam, từ đó lý giải được tại sao nhiễu động hoạt động mạnh nhất vào cuối mùa hè và gây mưa lớn ở nước ta.

Các nội dung về dao động nội mùa với tín phong, nắng nóng ở Tây Nguyên và Nam Bộ liên quan đến tín phong cũng được chú trọng nghiên cứu.

 

TS. Bùi Minh Tuân trình bày

Tại Hội thảo, nhóm thực hiện đề tài đã trình bày 03 chuyên đề khoa học quan trọng liên quan đến vấn đề nhận diện tín phong, vai trò của tín phong gây mưa lớn và mối quan hệ của tín phong với khí hậu Việt Nam.

Sau gần hai năm triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã bước đầu thu được những kết quả nghiên cứu có giá trị khoa học lớn. Nổi bật là các báo cáo về quy luật hoạt động của tín phong khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, ảnh hưởng tín phong đến thời tiết, khí hậu ở Việt Nam, đánh giá tương tác giữa tín phong với ENSO, gió mùa và hệ quả thời tiết, khí hậu và cực đoan trên lãnh thổ Việt Nam (trên biển và đất liền)…

 

Toàn cảnh Hội thảo

Đề tài đã có 02 bài báo Quốc tế thuộc danh mục ISI trong đó 01 bài đã được chấp nhận đăng và 01 bài đang trong quá trình xét duyệt. Trong nước, đề tài đã có 05 bài báo đăng trên các Tạp chí như: Khí tượng Thủy văn, Khoa học Biến đổi khí hậu và trong các Hội thảo.

Ngoài ra, đề tài cấp Bộ của TS. Nguyễn Đăng Mậu cũng đã hỗ trợ đào tạo: 01 ThS.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo sau quá trình xem xét đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để nhóm thực hiện tiếp tục hoàn thiện báo cáo cho các bước tiếp theo.

Trả lời