Sáng 23/3/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kỷ niệm ngày khí thượng Thế giới 23/3/2017 với chủ đề “Hiểu biết về mây”

Đến tham dự và phát biểu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển; đại diện Đại sứ quán Italia tại Việt Nam và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị ngoài Bộ, các cơ quan báo chí, cùng đông đảo các cán bộ trong ngành.

 

Ảnh phát biểu của Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển

Dưới đây là toàn bộ nội dung bài phát biểu của Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển

“Thưa toàn thể quý vị đại biểu,

Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày Khí tượng Thế giới. Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi trân trọng gửi đến các vị khách quốc tế, các quý vị đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông lời chào và lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc Buổi Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới thành công tốt đẹp.

Thưa quý vị đại biểu,

Kể từ năm 1961 đến nay, Ngày Khí tượng Thế giới được thế giới kỷ niệm nhằm ghi nhớ sự kiện Công ước thành lập Tổ chức Khí tượng thế giới có hiệu lực vào ngày 23 tháng năm 1950, đồng thời tôn vinh những đóng góp to lớn của Cơ quan khí tượng thủy văn trong công tác bảo vệ tính mạng và tài sản của con người.

Nhìn lại những gì mà lĩnh vực KTTV thế giới đạt được gần 7 thập kỷ qua, có thể thấy rằng nhiều thành tựu quan trọng đã tạo ra cơ hội đặc biệt về khoa học và công nghệ cho sự phát triển của ngành KTTV mỗi quốc gia. Từ các nhân tố riêng lẻ ban đầu, các thành tựu mới đã nhanh chóng hội tụ và tạo điều kiện cho việc trao đổi tức thời dữ liệu và sản phẩm khí tượng trên toàn thế giới thông qua các Chương trình của Tổ chức Khí tượng thế giới như Chương trình Theo dõi Thời tiết Toàn cầu, Chương trình Theo dõi khí quyển toàn cầu, Chương trình Khí hậu toàn cầu, Chương trình Nghiên cứu khí hậu toàn cầu, Chương trình Thủy văn và Tài nguyên nước toàn cầu và nhiều chương trình khác nữa. Nhờ vậy, công tác dự báo thời tiết trên thế giới đã có những tiến bộ đáng kể, khẳng định vai trò điều phối của Tổ chức Khí tượng thế giới trong quan trắc, nghiên cứu, phân tích và mô hình hóa, phát triển các mô hình dự báo. Là một trong 191 thành viên của Tổ chức khí tượng thế giới, Việt Nam đã được thừa hưởng những thành quả này trong sự phát triển ngành KTTV của mình.

Theo truyền thống, Ngày Khí tượng Thế giới hằng năm đều có một chủ đề để cộng đồng thế giới quan tâm và tập trung hành động. Chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới năm nay được Tổ chức Khí tượng Thế giới chọn là: “Hiểu biết về mây”.

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, mây là hình ảnh quen thuộc, mây luôn hiện diện trên bầu trời. Với nhiều người, các đám mây lặng trôi với nhiều hình dạng, kích cỡ phong phú luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho thơ ca và nghệ thuật. Trong văn học, mây đã đi vào ca dao, tục ngữ, với nhiều sắc thái ẩn dụ mang đậm tính nghệ thuật, để tạo nên các áng văn chương bất hủ qua thời gian.

Mây cũng là hình ảnh thường xuyên xuất hiện trên bản tin dự báo thời tiết hàng ngày. Hình ảnh các đám mây di chuyển liên tục, phân bố mây khác nhau trên bề mặt địa cầu khi nhìn từ vệ tinh là hình ảnh thể hiện một trong những đặc điểm nổi bật của Trái đất; đồng thời cũng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ trong việc nghiên cứu, hiểu biết về mây với công tác dự báo khí tượng thuỷ văn.

Lựa chọn chủ đề “Hiểu biết về mây” rất gần gũi và rất ý nghĩa đối với công tác dự báo, cảnh báo thời tiết, khí hậu, cũng là cách tiếp cận hiệu quả nhằm đưa vấn đề khoa học đến cuộc sống thường nhật để mọi người dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Chủ đề năm nay truyền đi thông điệp về tầm quan trọng của mây trong hệ thống thời tiết, khí hậu, sự cần thiết trong nghiên cứu về mây để nâng cao năng lực, trình độ dự báo thời tiết, khí hậu phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng tránh thiên tai; đồng thời qua đó cũng giúp nâng cao hiểu biết của người dân về các hoạt động khí tượng thuỷ văn, các dịch vụ khí hậu mà ngành khí tượng thuỷ văn cung cấp, các yếu tố ảnh hưởng đến công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn…

Thưa quý vị đại biểu,

Các nhà khoa học ngày nay hiểu rằng mây có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết khí hâu, thời tiết và cân bằng năng lượng của Trái đất. Các đám mây đã góp phần điều tiết chu trình nước và toàn bộ hệ thống khí hậu. Hiểu biết về mây là cơ sở quan trọng để dự báo tình hình thời tiết, mô phỏng các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai và dự đoán nguồn tài nguyên nước.

Để tăng cường hiểu biết về mây, các nhà khoa học trên thế giới đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về mây, cách thức phân loại mây, nghiên cứu cơ chế hình thành mây và hình thái khí hậu thời tiết…. Nhân dịp Ngày Khí tượng Thế giới năm nay, Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố một trong những kết quả nghiên cứu quan trọng về mây đó là Atlas mây Quốc tế. Alas mây Quốc tế có cả phiên bản điện tử, bao gồm nội dung hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn phân loại mây và rất nhiều hình ảnh về mây cùng một số hiện tượng thời tiết khác. Đây thực sự nguồn là tài liệu tham khảo toàn diện, có độ chính xác cao về mây, giúp tăng cường hiểu biết, cung cấp dữ liệu quan trọng, góp phần xây dựng các mô hình dự báo thời tiết chính xác hơn, đồng thời, mở ra các hướng nghiên cứu mới, sâu hơn về mây trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp.

Tại Việt Nam, các nhà khí tượng, khí hậu học cũng đã nghiên cứu, kế thừa phân loại mây, hình thành các cơ sở dữ liệu về mây; tham khảo Atlas mây quốc tế để tăng cường thông tin, tri thức về sự hình thành mây, vai trò của mây trong việc điều tiết khí hậu và tạo cơ sở để xây dựng các mô hình dự báo phù hợp, nhằm cung cấp thông tin, dịch vụ khí hậu, thời tiết dần đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nâng cao hiệu quả công tác phòng tránh thiên tai.

Thưa quý vị đại biểu,

Cứ vào dịp này hằng năm, các quốc gia trên thế giới, các cơ quan, tổ chức khí tượng, cán bộ công nhân viên trong ngành khí tượng đều hân hoan chào đón, tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động hưởng ứng. Các hoạt động trong dịp này nhằm tôn vinh, ghi nhận kết quả nỗ lực đạt được của ngành; đồng thời để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức về khí tượng thủy văn, tầm quan trọng của ngành khí tượng thủy văn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai.

Hưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới năm nay, với chủ đề “Hiểu biết về mây”, tôi đề nghị:

Một là: Các cơ quan tổ chức nghiên cứu về khí tượng, thuỷ văn tiếp tục rà soát, cập nhật kết quả, sử dụng hiệu quả các nghiên cứu về mây, phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thời tiết, khí hậu, thủy văn tại Việt Nam.

Hai là: Xây dựng mô hình dự báo phù hợp trên cơ sở những thông tin, kiến thực cập nhật về mây để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ khí hậu chất lượng của ngành, đáp ứng nhu cầu của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

Ba là: Thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu về mây, cập nhật, hoàn thiện Atlas mây cho Việt Nam để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo khí hậu, thời tiết.

Bốn là: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, tri thức mới để hiểu rõ hơn về mây, các hiện tượng khí hậu thời tiết khác, thúc đẩy xây dựng mô hình dự báo, cảnh báo phù hợp, hiện đại.

Năm là: Tăng cường nghiên cứu, đưa nội dung về mây vào bài giảng, chương trình các bậc học về khí tượng thuỷ văn; tuyên truyền phổ biến thông tin, trí thức về mây bằng các hình thức phù hợp để nâng cao hiểu biết về mây, tầm quan trọng của ngành khí tượng thuỷ văn, dịch vụ khí hậu của ngành trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội và trong công tác cảnh báo dự báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thưa các quý vị đại biểu,

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới, tôi chân thành cảm ơn Tổ chức Khí tượng Thế giới, các quốc gia và các đối tác phát triển đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực Khí tượng thuỷ văn và hy vọng các đối tác sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này. Đồng thời tôi xin gửi lời chúc mừng của Lãnh đạo Bộ tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, các đồng nghiệp nước ngoài đang công tác, hoạt động và đóng góp cho sự phát triển của ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam.”

             Cũng tại buổi lễ, TS. Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương và PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi Khí hậu đã có các bài tham luận với chủ đề về mây.

 

Ảnh TS. Hoàng Đức Cường trình bày bài tham luận

 

Ảnh PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương trình bày bài tham luận

 

Ảnh tập thể

Phòng KHĐTHTQT

Trả lời