Viện KTTVBĐKH tham gia hội nghị COP27

Trong các ngày từ ngày 03 đến 19/11, PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng (Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) đã tham dự Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Hội nghị lần thứ 17 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP17), Hội nghị lần thứ 4 các Bên tham gia Thỏa thuận Paris (CMA4) và các Hội nghị có liên quan được tổ chức tại thành phố Sharm el-Sheikh, Cộng hoà Ả-rập Ai-cập.

Hội nghị COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới liên tục xuất hiện thiên tai bất thường; bất ổn chính trị gây ra khủng hoảng toàn cầu về năng lượng, lương thực… Một số quốc gia đã trì hoãn hoặc giảm tham vọng trong các chính sách về khí hậu và thậm chí chuyển hướng quay về sử dụng năng lượng hóa thạch. Kể từ sau COP26 đến COP27 có 29 quốc gia nộp bản cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) phản ánh nỗ lực cao hơn trong thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có thực hiện các cam kết tại COP26. Tham dự Hội nghị COP27 có hơn 100 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và khoảng 45.000 đại biểu đến từ 195 quốc gia thành viên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC); 39 cơ quan, tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc; 22 tổ chức nghiên cứu, phân tích; 107 tổ chức liên chính phủ; 1.751 tổ chức phi chính phủ và 1.306 cơ quan báo chí, truyền thông.

Tại COP27, PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng ngoài tham dự Hội nghị cấp cao và Hội nghị đàm phán về BĐKH thì còn tham gia thảo luận tại các sự kiện bên lề của WWF.

“Opportunities and Challenges for responding to climate change in Viet Nam”

Sự kiện bên lề “ Opportunities and Challenges for responding to climate change in Viet Nam ” do WWF-Viet Nam phối hợp với VCCA và CCWG tổ chức vào ngày 16 tháng 11 năm 2022. Sự kiện được điều phối bởi bà Phạm Thị Cẩm Nhung – Trưởng nhóm Khí hậu và Năng lượng – WWF-Việt Nam, Chủ tịch CCWG. Sự kiện có sự tham gia của 04 diễn giả đại diện cho 04 bên liên quan với nhiều vai trò khác nhau trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam: PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng – Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng, Thuỷ văn và Biến đổi Khí hậu (IMHEN); PGS.TS. Trần Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường và Biến đổi Khí hậu, Đại học Khoa học Đại học Huế; Ông Zhang Huifeng, Trưởng Bộ phận Doanh nghiệp Bền vững, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC; và Ông Stuart Orr, Trưởng nhóm Giải pháp Nước sạch WWF, WWF-International.


PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng tham gia sự kiện

Mở đầu sự kiện, PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng đã chia sẻ về những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam ở cấp trung ương: Nhận định biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn và gây ra các tác động ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam; nhiệt độ trung bình tăng thêm 0,74 độ C chỉ trong ba thập kỷ gần đây; mưa lũ xuất hiện thường xuyên và để lại nhiều hậu quả khủng khiếp; mực nước biển dự kiến tăng từ 70-100 cm vào cuối thế kỷ này và nếu mực nước biển dâng 1 m, có thể khiến cho 47% diện tích của Đồng bằng sông Mê Công Việt Nam nằm dưới mực nước biển;…

Về cơ hội trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Việt Nam hiện đã ban hành và thực thi nhiều đường lối chính sách, chiến lược, chương trình và kế hoạch nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam; Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách giúp đảm bảo nguồn tài chính cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những cơ hội, tại Việt Nam còn tồn tại nhiều thách thức: Nhu cầu rất lớn về tài chính ổn định, công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng; hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH cần được nâng cấp; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đứng trước nhiều khó khăn; khung pháp lý, cơ chế chính sách giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu đã hình thành, nhưng còn chưa hoàn thiện.

Tại sự kiện, ông Trần Anh Tuấn đã có những nhận định riêng về việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp địa phương vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Một số cơ sở vật chất, hạ tầng cần thiết cho hoạt động giảm phát thải khí nhà kính như hệ thống kiểm kê khí nhà kính hay hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vẫn chưa được phổ cập rộng rãi. Về vấn đề tài chính, chính quyền cấp địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động tài chính trong khi nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn giới hạn. Nguồn nhân lực trong ứng phó với biến đổi khí hậu cần được tập huấn để nâng cao năng lực và cung cấp thiết bị và cơ sở vật chất phù hợp, đặc biệt trong các hoạt động thích ứng, phòng ngừa thiên tai và giải cứu trên biển. Đối với các dự án về năng lượng tái tạo, biểu giá điện hỗ trợ (Feed-in Tariff) hiện không còn là biện pháp khuyến khích hiệu quả với các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió.


Toàn cảnh Sự kiện

Nói về chiến lược của WWF-Việt Nam hiện tại, ông Stuart Orr cho rằng: Chiến lược của WWF-Việt Nam đang đồng nhất với chiến lược của Chính phủ Việt Nam đối với kết quả của 03 tiêu chí về giảm thiểu khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Khu vực đồng bằng sông Mekong nổi tiếng với nguồn đa dạng sinh học vô cùng phong phú, nhưng cũng đồng thời là khu vực dễ bị tổn thương. Trong quá trình đánh giá cách cải thiện khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu tại khu vực này, có 03 thách thức chính cần đối mặt: (1) Mất cát và trầm tích phù sa, (2) Nền đất sụt lún, dẫn đến xâm nhập mặn, và (3) Rừng ngập mặn suy thoái.

Hiện tại, WWF-Việt Nam đang phát triển một nguồn ngân sách cho việc đánh giá và phân tích các vấn đề về cát của khu vực đồng bằng sông Mekong với Chính phủ Việt Nam và hướng tới sử dụng công nghệ mới trong việc đo lường cát nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm để đưa vào chiến lược quốc gia và nhân rộng tại các khu vực khác. Về thích ứng với đất lún và xâm nhập mặn, WWF-Việt Nam đang làm việc với chính quyền địa phương và người nông dân trong dự án phát triển mô hình trồng trọt lúa-cá xen canh và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp thông qua Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD). Về vấn đề rừng ngập mặn suy thoái, WWF-Việt Nam liên kết với 03 nhà tài trợ để thực hiện 03 sáng kiến: (1) Sáng kiến về khôi phục Rừng Quốc gia (Ngân hàng HSBC), (2) Sáng kiến về sức chống chịu và sinh kế (SDC – Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thuỵ sĩ), và (3) Sáng kiến về sức chống chịu của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển (Quỹ UBS Optimus Foundation).

Chia sẻ tại sự kiện, ông Zhang Huifeng cho biết, vào tháng 5/2021, Ngân hàng HSBC Việt Nam đã phối hợp với WWF khởi chạy Hợp tác Thúc đẩy các Giải pháp về Khí hậu (CSP), mối quan hệ hợp tác 05 năm với mục tiêu liên kết ngân hàng và các đối tác cấp địa phương trong khu vực để gỡ bỏ rào cản về tài chính cho các doanh nghiệp và dự án liên quan đến biến đổi khí hậu. CSP sẽ hỗ trợ các dự án trong 03 mảng lĩnh vực: Chuyển dịch năng lượng, giải pháp dựa vào thiên nhiên và sáng kiến khí hậu.

Ngày 08/11/2022, trong khuôn khổ Hội nghị COP27, Ngân hàng HSBC Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT). Qua đó, Ngân hàng HSBC Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ Bộ TNMT trong việc xây dựng những cách tiếp cận thực tế trong việc hiện thực hoá chiến lược của mình và đảm bảo phù hợp với những mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam, cũng như xây dựng bộ khung nhằm thu hút các nguồn tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ những mục tiêu này.

Bà Phạm Thị Cẩm Nhung đồng ý quan điểm với Ông Richard Branson, nhà sáng lập của the Virgin Group: “Ứng phó với biến đổi khí hậu là một thách thức lớn, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được nếu chính phủ, các doanh nghiệp và từng cá nhân cùng chung sức với nhau”.

Khuyến nghị về hợp tác giữa Viện KTTVBĐKH và WWF sau COP27

Biến đổi khí hậu hiện được coi là một trong “khủng hoảng” của thời đại. Báo cáo đánh giá khí hậu lần thứ 6 (AR6) của Nhóm công tác I Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng và cực đoan và đang gây ra những hậu quả không thể đảo ngược. Để tồn tại trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, thích ứng và tăng cường khả năng chống chịu hiện đã trở thành vấn đề sống còn với mọi quốc gia, dân tộc. Tại Việt Nam, khu vực ven biển và đồng bằng thường xuyên chịu tác động nghiêm trọng của nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiểm họa liên quan đến khí hậu như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt và hạn hán. Trong đó, vùng đồng bằng sông Mê Công, vựa lúa, nông sản lớn, nơi sinh sống của 20 triệu người, đang bị nước biển dâng gây hậu quả nặng nề. Khoảng 10% dân số trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Chính vì vậy, thời gian vừa qua Viện KTTVBĐKH đã đồng hành với WWF cùng triển khai một số hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu.


PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng chia sẻ tại sự kiện

Trước COP27

Viện KTTVBĐKH là Viện nghiên cứu hàng đầu trong các lĩnh vực khí tượng, khí hậu, thủy văn, hải văn và biến đổi khí hậu. Viện đã chủ trì xây dựng Kịch bản BĐKH và NBD cho Việt Nam các năm 2009, 2012, 2016, 2000 và hỗ trợ kỹ thuật cho rất nhiều Báo cáo như Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (NCCS), Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Một số hoạt động trong khuôn khổ hợp tác cụ thể như: Trao đổi và tham vấn chia sẻ và cập nhật thông tin về các chiến lược, chương trình, kế hoạch quốc gia về các chính sách khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tổ chức thảo luận tình hình triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, xác định các khoảng trống trong triển khai thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và xác định được những ưu tiên, các định hướng ứng phó biến đổi khí hậu và những khoảng trống mới nổi trong xây dựng và thực hiện chính sách để đạt được các mục tiêu quốc gia được cập nhật tại COP26. Đồng thời, chia sẻ kết quả nghiên cứu và thảo luận về vai trò và tiềm năng hợp tác của VUSTA, CCWG và các đối tác để hỗ trợ việc thực hiện các cam kết nâng cao về biến đổi khí hậu của quốc gia.

Sau COP27

Mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đang trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới kèm theo các tuyên bố chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp, hướng tới đạt mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ. Việc cam kết đưa phát thải ròng về “0” và tham gia cam kết giảm phát thải mê-tan đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.

Viện KTTVBĐKH kiến nghị tiếp tục đồng hành và phối hợp cùng WWF trong một số hoạt động như: Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác của MOU; Mở rộng hợp tác và đồng hành cùng VCCA, WWF trong việc thúc đẩy mục tiêu Net zero trong các kế hoạch hành đồng cấp địa phương, tỉnh và trong các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, Viện KTTVBĐKH sẽ phối hợp và mở rộng hợp tác, trở thành Viện tư vấn chính về kỹ thuật, cung cấp các khóa đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cho WWF và VCCA trong xây dựng các kế hoạch và chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, và đề xuất áp dụng các tiêu chí để các doanh nghiệp thành viên VCCA nói riêng và các doanh nghiệp tư nhân nói chung hướng tới mục tiêu trở thành các doanh nghiệp phát thải các bon thấp và doanh nghiệp xanh trong việc hướng tới mục tiêu Net zero.

Trả lời