Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thầy cô cho luận án của nghiên cứu sinh (NCS). Nguyễn Thị Ngọc Ánh.
Ngày 15/3, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức Hội thảo khoa học luận án tiến sĩ lần 2 cho nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Thị Ngọc Ánh với đề tài luận án: “Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất phương pháp đánh giá tổn thất và thiệt hại đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn do biến đổi khí hậu gây ra tại Việt Nam”, ngành: Biến đổi khí hậu; Mã số: 9440221.
Các chuyên gia tham dự bằng hình thức trực tuyến
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương, với sự tham dự của đại diện cơ sở đào tạo là PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng (Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện phó) và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu đến từ các cơ quan trong Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, Hội thảo được Viện tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương chủ trì hội thảo
Tại hội thảo, NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã lần lượt trình bày các nội dung trong luận án của mình. Trong đó, nói về lý do lựa chọn đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất phương pháp đánh giá tổn thất và thiệt hại đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn do biến đổi khí hậu gây ra tại Việt Nam”, NCS cho rằng, rừng ngập mặn (RNM) và các hệ sinh thái (HST) ven biển có vai trò to lớn về kinh tế, sinh thái, môi trường, có những chức năng quan trọng đối với cộng đồng dân cư như: cung cấp lương thực, thực phẩm, dược liệu; bảo vệ bờ biển, chắn gió, chắn sóng; cải thiện chất lượng nước ven biển; lưu trữ cacbon; là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã; là môi trường giáo dục, nghiên cứu, giải trí…. Tuy nhiên theo dự báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), RNM dọc theo bờ biển được dự đoán sẽ suy giảm về diện tích, chức năng, khả năng sinh trưởng. Nằm ở vị trí giữa đất liền và biển ở vĩ độ thấp, RNM là khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Việt Nam là nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Theo đánh giá hàng năm về những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoạn giai đoan 1997-2016, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn (CRI). Những diễn biến của BĐKH tại Việt Nam bao gồm sự gia tăng nhiệt độ, sự thay đổi lượng mưa, mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết cực đoan, đang ngày càng gia tăng về tần suất, cường độ và khó dự đoán hơn, kéo theo các vấn đề về tổn thất và thiệt hại ngày càng phức tạp.
Nước biển dâng sẽ ảnh hưởng vùng đất ngập nước của bờ biển Việt Nam, nghiêm trọng nhất là khu vực rừng ngập mặn của Cà Mau, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Nam Ðịnh. Hai vùng đồng bằng và ven biển nước ta, trong đó có RNM và hệ thống đất ngập nước rất giàu có về các loài sinh vật, là những hệ sinh thái rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Mực nước biển dâng lên cùng với cường độ của bão tố sẽ làm thay đổi thành phần của trầm tích, độ mặn và mức độ ô nhiễm của nước, làm suy thoái và đe dọa sự sống còn của RNM và các loài sinh vật đa dạng trong đó.
NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh trình bày luận án
Hệ sinh thái RNM mang lại rất nhiều giá trị và dịch vụ to lớn cho đời sống con người nhưng là đối tượng chịu nhiều tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, diễn biến biến đổi toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng phức tạp, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra sẽ ngày càng gia tăng, biểu hiện đa dạng đối với nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có hệ sinh thái RNM. Tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu là vấn đề đang được thế giới quan tâm và là một trong những nội dung quan trọng của chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu cần được nghiên cứu, đánh giá sâu hơn.
Tại Việt Nam, tổn thất và thiệt hại đối với hệ sinh thái RNM do biến đổi khí hậu chưa có nhiều nghiên cứu để đo lường, đánh giá. Xuất phát từ thực tiễn này, luận án “Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất phương pháp đánh giá tổn thất và thiệt hại đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn do biến đổi khí hậu gây ra tại Việt Nam” được xây dựng với mong muốn kết quả của nghiên cứu sẽ cung cấp cơ sở khoa học để các nhà quảnlý, các chuyên gia nhận diện và xác định được những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với hệ sinh thái RNM; xây dựng định hướng quản lý, bảo tồn RNM trong bối cảnh biến đổi khí hậu hợp lý.
Các thầy cô cho ý kiến nhận xét trực tuyến
Sau khi nghe NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh trình bày tóm tắt các nội dung của luận án, các thầy cô đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý để NCS tiếp tục hoàn thiện luận án cho các bước tiếp theo.